Đã nâng mức hỗ trợ
Theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, mức trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng là từ 120.000 - 240.000 đồng/người/tháng. Chín nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp là những người không có khả năng lao động hoặc lao động nhưng không đủ lo cho cuộc sống. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành lao động, mức này bằng khoảng 46% chuẩn nghèo đối với khu vực thành thị và 60% đối với khu vực nông thôn nhưng chỉ bằng 18% lương tối thiểu và 17% mức sống trung bình của cộng đồng dân cư.
TPHCM hiện có 34.694 đối tượng hưởng trợ cấp, trong đó có 22.830 người trên 85 tuổi. Trong thời gian qua, UBND TPHCM cũng như các quận, huyện, phường, xã đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc chăm lo cho các đối tượng khó khăn: Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động kêu gọi cộng đồng hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng chính sách... Ngày 21- 9- 2007, UBND TP đã đi trước một bước nâng mức trợ cấp cao hơn chuẩn cả nước khi ban hành Quyết định 122 về điều chỉnh bổ sung một số chính sách xã hội của TP, trong đó, mức 120.000 đồng/tháng sẽ được tăng lên 150.000 đồng/tháng, tức mỗi ngày được thêm 1.000 đồng. Đặc biệt, trước tác động của trượt giá, TP tiếp tục hỗ trợ cho mỗi đối tượng 50.000 đồng/tháng trong 6 tháng cuối năm 2008.
Vẫn như “muối bỏ bể”
Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ theo chủ trương xã hội hóa chăm lo cho đối tượng khó khăn cũng chỉ mang tính đột xuất theo các ngày lễ Tết, vì vậy, để bảo đảm cuộc sống hằng ngày, họ vẫn phải dựa chủ yếu vào nguồn trợ cấp. Nhiều người làm trong ngành lao động cho rằng việc nâng chuẩn là một nỗ lực cần thiết của TP, nhưng so với sự tăng giá vùn vụt thời gian qua, mức tăng này cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Thạc sĩ Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, tính: Mỗi người được 5.000 đồng/ngày“ăn sáng bình dân cũng đã hết rồi!”, mức này chỉ bằng 27% lương tối thiểu và bằng 30% mức chuẩn nghèo của TP. Theo ông Lê Văn Mười, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH quận 3, chủ trương xã hội hóa là rất cần thiết, tuy nhiên, xã hội hóa chỉ là phần phụ thêm, bởi lẽ không phải lúc nào địa phương cũng kêu gọi được các mạnh thường quân hỗ trợ. Vai trò Nhà nước thể hiện ở việc chăm lo phúc lợi xã hội mà trước hết là bảo đảm về cơ bản cuộc sống của người dân. Mà với điều kiện sống tại TPHCM hiện nay, trợ cấp phải bằng mức chuẩn nghèo mới bảo đảm an toàn cuộc sống!
Bà Phùng Thế, ngụ tổ 2, KP 1A, P.11, Q.5 - TPHCM năm nay đã 83 tuổi, được hưởng trợ cấp xã hội theo diện “người cao tuổi cô đơn” với mức 150.000 đồng/tháng (mức đã tăng của TPHCM). Bà cho biết mỗi tháng bà mua 8 kg gạo hết 80.000 đồng (ngày ăn hai bữa, nhịn bữa sáng), 6 lít dầu hỏa khoảng 80.000 - 90.000 đồng đã “ngốn” hết khoản tiền trợ cấp. Bữa cơm của bà chỉ có chút rau củ, chấm nước tương, thỉnh thoảng có người hàng xóm cho chút thịt cá. Chủ nhà trọ cho bà giữ hai chiếc xe của những người ở chung cư, mỗi tháng kiếm thêm 100.000 đồng mua thuốc, đắp đổi qua ngày.
Bình luận (0)