Thế nhưng, tiền chống ngập cứ mỗi năm tăng dần theo mực nước và lan rộng theo những khu vực ngập. Những trận mưa lớn gây ngập đã đành; những cơn mưa nhỏ cũng khiến nước lênh láng, gây ngập nhiều tuyến đường; nhiều khu vực trong hẻm và nhà dân bị nước tràn vào vài ngày sau cũng chưa rút. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng đô thị hóa "gánh" phần trách nhiệm đáng kể.
Những năm gần đây, việc phát triển các khu đô thị chiếm một diện tích lớn đất mảng xanh, vùng trũng, vốn là đất trống đã được một số chuyên gia đô thị cảnh báo. Cũng như hành động chặn mất dòng chảy và đường thoát nước của TP nên dễ dẫn đến ngập úng từ bên trong đô thị như phía Nam TP. Nhiều nơi chưa có hồ điều tiết để trả lại diện tích chứa nước tự nhiên sau khi san lấp mặt bằng. Những nơi vốn là ao, hồ, ruộng lúa, hoa màu, cây xanh, đất trống bỗng chốc được xây cất công trình, nhà phố, chung cư.
Đơn cử như dọc đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt (quận 2) trước đây toàn là đồng ruộng và mương rạch, nay đã bị bê-tông hóa gần kín bởi các khu đô thị, nhà cao tầng. Dọc theo đường Lê Văn Lương (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) có gần chục dự án nhà ở đã hình thành và đang san lấp mương, rạch. Tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, hơn 1 ha đất rạch được giao chủ đầu tư san lấp, phân lô, bán nền và xây dựng hạ tầng...
Đô thị không chỉ là những tòa nhà hay trung tâm thương mại sầm uất mà còn bao gồm các vùng vệ tinh như đất nông thôn, mảng xanh để không gian luôn hài hòa và cân đối với các mối liên hệ về kinh tế - xã hội, sinh hoạt cộng đồng, đi lại… Càng mở rộng đô thị, hệ số dòng chảy càng cao, tức lượng nước mưa rơi xuống tạo thành dòng chảy tăng lên, đòi hỏi kích thước cống, kênh, mương, rạch để vận chuyển lưu lượng nước mưa cũng phải tăng theo, nếu hạ tầng không đáp ứng cho thoát nước tất sẽ gây ngập nước.
Tôi từng nghe một vị tiến sĩ người Úc phát biểu: "Để đánh giá một đô thị phải dựa trên điều kiện tự nhiên, khí hậu, mảng xanh, không ngập nước". Vì vậy, luôn chú trọng bảo vệ một phần lớn địa hình tự nhiên để thoát nước, giữ và tăng cường mảng xanh điều hòa khí hậu, giúp giảm đáng kể nạn ngập lụt trong đô thị.
Nên chăng trong phát triển đô thị TP HCM, để hướng đến sự bền vững phải giữ lại phần lớn diện tích đất chưa xây dựng hoặc đất nông nghiệp ở các quận, huyện ngoại thành, vừa giúp bảo vệ đô thị trước những tác động tiêu cực biến đổi khí hậu vừa tận dụng hệ thống mương rạch và địa hình tự nhiên để trữ nước mùa khô và thoát nước mùa mưa.
Cần tính toán chống ngập trên cơ sở khoa học dựa trên bản đồ sông, kênh, rạch, cống thoát nước cùng mặt bằng lưu vực, diện tích, dân số, nước thải, nước mưa. Nơi công cộng, công viên, vui chơi, giải trí…, thay vì bê-tông hóa, hãy tạo thêm mảng xanh, bồn hoa, thảm cỏ vừa tạo cảnh quan vừa là nơi thấm nước. Trong đầu tư xây dựng công trình công cộng ngoài trời nên ưu tiên sử dụng vật liệu có độ hút nước cao, thấm hút nước xuống nền đất.
Bình luận (0)