"Hồi còn học mẫu giáo, mỗi khi tôi đón, con tôi thường đòi chở đi ăn hoặc mua đồ chơi. Từ khi vào học lớp 1, thằng bé cứ giục tôi chạy xe nhanh về nhà. Hỏi ra mới biết con nhịn tiểu cả buổi chiều vì nhà vệ sinh (NVS) quá dơ" - chị N.T.L (ngụ quận 12, TP HCM) có con học lớp 1 Trường Tiểu học P.V.C (quận 12) kể.
Bịt mũi, nín thở đi vệ sinh
Cùng đi theo chị L. đón con, chúng tôi lấy cớ đưa bé đi vệ sinh để vào quan sát bên trong. Cách một đoạn mới đến NVS nhưng từ bên ngoài đã ngửi mùi khai nồng xộc lên mũi. Theo quan sát, NVS nam và nữ đã khá cũ nằm cạnh nhau, sát bên lớp học. NVS nữ không đèn tối om, có 4 phòng thì 1 phòng hư (đang đóng cửa), không có giấy vệ sinh, nước lại nhỏ giọt… NVS nam cũng có 4 phòng, có đèn nhưng 1 phòng không có cửa, bên ngoài có bồn tiểu nam. Trong 5 phút đứng đây, chúng tôi chứng kiến nhiều học sinh (HS) vừa bịt mũi vừa đi vệ sinh rồi phóng ào ra ngoài quên cả dội nước. Nhiều HS cho biết rất sợ phải vào NVS, mỗi lần đi, các em đều nín thở hoặc là nhịn để về nhà đi.
Tương tự, tại Trường Tiểu học H.T (quận Gò Vấp), mỗi ô NVS có diện tích khá nhỏ, nhiều thiết bị hỏng hóc, NVS bị nghẹt, khi bấm nút, nước tràn lên, không tự rút xuống được làm HS không dám sử dụng. Trong lúc đứng chờ con trai của chị N.T.H (học tại trường) đi vệ sinh, chúng tôi thấy một bé trai đi vệ sinh ở ô bên cạnh mở cửa ra rồi bật khóc. Khi được hỏi, bé vừa mếu vừa nói: "Con làm hư NVS rồi. Con đi cầu xong, nhấn nút nhưng nước không tự rút mà cứ trồi lên nhìn ghê lắm". Chúng tôi phải trấn an một lúc, cậu bé mới lau nước mắt bước ra.
NVS Trường Tiểu học P.Đ.L 1 (quận 8) cũng thường xuyên không có giấy, nắp bồn cầu bị hỏng không dùng được... NVS Trường Tiểu học V.T.S (quận Gò Vấp) dù tương đối sạch sẽ do thường được vệ sinh nhưng khi chúng tôi hỏi, nhiều HS cho biết vẫn rất ngại vào do một số em không có thói quen dội nước sau khi đi tiêu, tiểu nên sau giờ ra chơi, NVS rất bẩn và hôi nồng nặc.
Chuyện như đùa mà có thật, đó là trường hợp của con gái chị C.T.H (ngụ quận Gò Vấp). Trong một lần đi đón mà không thấy con đâu, chị H. đi tìm thì phát hiện con gái (học lớp 3 Trường Tiểu học A.H, quận Gò Gấp) đang tự nhốt mình khóc cả giờ trong NVS chỉ vì sau khi đi tiêu không có giấy và nước. "Sau lần đó, con tôi bị ám ảnh mãi, không dám uống nước, uống sữa, ăn vặt trên trường vì sợ phải đi vệ sinh" - chị H. kể cho biết.
Học sinh phải bịt mũi khi đi vệ sinh
Nhà trường quan tâm, NVS sẽ sạch, đẹp đẽ
Bên cạnh những trường có NVS dơ bẩn và hỏng hóc, cũng có những trường luôn dành sự quan tâm đặc biệt về chất lượng NVS. Điển hình là NVS của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Trường Tiểu học Kim Đồng cơ sở 1 và 2 (quận Gò Vấp) luôn sạch sẽ, không mùi hôi.
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi bước vào Trường Tiểu học Kim Đồng 1 đó là NVS không khác trong khách sạn, mùi hương sả thoang thoảng, nền nhà khô, có gương, giấy. Bồn rửa tay được thiết kế vừa tầm với HS tiểu học. NVS Trường Tiểu học Kim Đồng 2 ngoài sự gọn gàng, sạch sẽ thì phía trên bức tường của mỗi NVS đều có những bức tranh đầy màu sắc, sống động.
Thầy Võ Minh Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cơ sở 1 và 2, cho biết mỗi ngày luôn có người túc trực ở NVS để kiểm tra, nhắc nhở, dọn dẹp sạch sẽ sau những giờ ra chơi, ra về. "Chúng tôi cố gắng tạo điều kiện cho HS môi trường học tốt nhất. Ngoài việc dạy dỗ, nhà trường cố gắng giáo dục, hình thành ý thức cho các em. Hơn nữa, NVS sạch sẽ giúp HS thấy thoải mái, sức khỏe tốt, khả năng học tập và chất lượng sống của HS cũng tăng lên" - thầy Thông nói.
Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) có trên 3.200 HS nhưng NVS khá sạch sẽ, thoáng mát, luôn có một hồ chứa nước lớn trong mỗi NVS phòng khi cúp nước. Nhà trường cũng dành riêng 1 phòng vệ sinh kinh nguyệt cho HS nữ.
Cô Vũ Thị Hường, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng, cho biết: "Trường đông như vậy nhưng chỉ có 7 người dọn dẹp NVS, sân trường, hành lang, phòng chức năng… đôi khi dẫn đến quá tải. Đến giờ cao điểm, cả ngàn HS ra chơi cùng lúc nên NVS cũng không tránh khỏi dơ bẩn song vẫn luôn có người túc trực để vệ sinh sạch sẽ. Chúng tôi cũng luôn nhắc nhở HS có ý thức giữ gìn vệ sinh chung".
Ảnh hưởng chất lượng sống
Bác sĩ Bùi Xuân Mạnh, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết việc nhịn tiểu hay thói quen đi tiểu không đúng cách có thể dẫn đến các bệnh lý và cả tâm lý làm ảnh hưởng đến chất lượng sống và việc học của trẻ.
Ngại đi tiểu có nhiều nguyên nhân: do trẻ chưa biết đi tiểu đúng cách, NVS bẩn, áp lực học tập khiến trẻ không dám đi tiểu... Nhịn tiểu lâu có thể dẫn đến các bệnh lý sỏi niệu hay nhiễm trùng tiểu. Về mặt tâm lý, nhịn tiểu làm cho trẻ bồn chồn, lo lắng, không tập trung trong việc học.
Bình luận (0)