Sở Xây dựng TP HCM vừa có thông báo kết luận về việc điều chỉnh quy định về diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân tại TP.
Ở ngoại thành phải có 10 m2/người
Theo đó, khu vực 1 gồm các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè có diện tích nhà ở bình quân là 10 m2/người; khu vực 2 là các quận còn lại, diện tích này là 19,8 m2/người hoặc thậm chí cao hơn.
Để có được sự thống nhất này, Sở Xây dựng TP đã tổ chức nhiều cuộc họp, lấy ý kiến từ các sở, ngành, quận, huyện và nhiều đơn vị tư vấn kéo dài từ năm 2016 đến tháng 4-2017. Theo đại diện Sở Xây dựng TP, đây không phải là đề xuất cá nhân của sở mà được nhìn nhận từ nhiều mặt, trong đó có khảo sát, xem xét hạ tầng, điều kiện kinh tế, xã hội...
Trước đó, năm 2014, Sở Xây dựng TP đề xuất tại 5 huyện nói trên, diện tích nhà ở bình quân là 8 m2/người, các quận còn lại là 16 m2/người. Việc quy định diện tích tối thiểu tại các huyện nhỏ hơn các quận là nhằm khuyến khích người nhập cư mua nhà, nhập hộ khẩu vùng ven để giãn dân số.
"Quy định này chỉ áp dụng với cá nhân muốn nhập hộ khẩu vào nơi ở nhờ, thuê, mượn tại TP. Các trường hợp có mối quan hệ như vợ chồng, ông bà, cha mẹ, con, cháu thì không tính diện tích ở bình quân để làm hộ khẩu" - đại diện Sở Xây dựng TP lưu ý.
Đa số lao động nhập cư đều thuê nhà trọ diện tích nhỏ
Không phù hợp thực tiễn
Phản hồi về những đề xuất của Sở Xây dựng TP, một lãnh đạo UBND quận Phú Nhuận cho rằng đề xuất này không phù hợp với thực tiễn hiện nay, con số quy định diện tích tối thiểu còn cao so với thu nhập, điều kiện sống của người dân.
Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho rằng tùy từng địa phương mà có số liệu cụ thể. "Muốn có con số về diện tích ở bình quân phải khảo sát diện tích sàn xây dựng, hạ tầng giao thông, nhu cầu nhà ở, việc làm chứ không nên chia 2 nhóm như vậy" - ông Thinh nói.
Trong khi đó, kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam nhìn nhận để TP HCM trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nhờ có sự đóng góp rất lớn từ lao động nhập cư. Việc quy định diện tích tối thiểu sẽ phần nào gây ra sự thiệt thòi về quyền lợi cá nhân cũng như hạn chế những vấn đề an cư. "Thay vì quy định diện tích tối thiểu thì nên đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng, thành lập các đô thị vệ tinh để người dân làm ăn, vui chơi trong một khu vực nhất định" - kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam đề xuất.
Còn kiến trúc sư Vũ Quang cho rằng việc áp dụng hộ khẩu để quản lý được cho là lỗi thời, các nước tiên tiến trên thế giới không còn áp dụng. Chính sách quy định nhập khẩu theo diện tích tối thiểu được cho là quy định cản trở sự phát triển. Ông Quang lấy ví dụ tại Đài Loan, muốn giãn dân, họ không cho phép xây dựng cao ốc, chung cư ở nơi đông người. Trong khi đó, ở Việt Nam thì làm ngược lại.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Trung Kiên, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM, cho biết hiện vẫn chưa nắm thông tin về việc Sở Xây dựng TP có đề xuất tăng diện tích tối thiểu được phép nhập hộ khẩu. Tuy nhiên, muốn chính thức áp dụng phải được HĐND TP thông qua.
Không giảm được áp lực dân số
Hiện đang thuê trọ ở quận Bình Tân, trước đề xuất này của Sở Xây dựng TP, ông Trương Hồng Sơn nêu ý kiến: "Những lao động nhập cư như chúng tôi cũng có đóng góp không ít cho sự phát triển kinh tế của TP. Có những người là viên chức nhà nước, công nhân…, cũng đóng thuế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với TP, đồng thời lo cho người thân ở quê nhà. Đối với chúng tôi, một chỗ ở ổn định, an ninh, dù chật chội một chút nhưng vừa túi tiền, được nhập hộ khẩu để con cái được học hành, chăm sóc y tế tốt là quá đủ. Nếu buộc diện tích tối thiểu phải gần 20 m2/người, hai vợ chồng và 1 đứa con là 60 m2, làm sao đủ tiền để thuê, sau đó nhập hộ khẩu trong khi giá thuê nhà không rẻ? Bình thường, muốn chủ nhà bảo lãnh cho nhập hộ khẩu đã khó, nếu thêm quy định này, không biết sẽ ra sao nữa".
Còn theo ông Lê Minh Hoàng (ngụ quận 6), nếu quy định này được áp dụng cũng không làm giảm áp lực dân số và hạ tầng TP vì đây là một TP công nghiệp, lượng lao động từ các nơi đến rất nhiều. Nếu gây khó khăn trong việc nhập hộ khẩu thì công tác quản lý cư trú và an ninh trật tự địa phương cũng khó bảo đảm. Ngoài ra, có một thực tế là hầu hết nhà trọ đều do người dân xây dựng để kinh doanh, diện tích đều nhỏ so với diện tích bình quân mà Sở Xây dựng đề xuất.
H.Hiếu
Bình luận (0)