Nơi dự kiến xây bờ kè nắn dòng chảy sông Hồng vẫn còn bãi khai thác cát tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới công trình
Nâng cấp hệ thống đường thủy
Công trình này gồm 3 hạng mục chính: Xây dựng hệ thống kè hình chữ U theo hướng dòng chảy bọc gần kín bãi nổi Nhật Tân (phường Nhật Tân và phường Phú Thượng, quận Tây Hồ); xây dựng một bức tường để nắn dòng chảy chếch hẳn về phía huyện Đông Anh; xây dựng hệ thống kè bờ sông Hồng đoạn địa phận Tàm Xá (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) và khu vực thuộc cống Liên Mạc (huyện Từ Liêm). Trong tương lai, sông Hồng sau khi chảy qua cầu Thăng Long sẽ không được phép “tự do” nữa mà sẽ được nắn dòng chảy chính qua phía huyện Đông Anh. Dòng chảy phía quận Tây Hồ sẽ trở thành dòng phụ.
Đại diện Phòng Dự án vốn nước ngoài cho biết bức tường bê tông cốt thép bọc bãi nổi Nhật Tân nhằm cố định, không để lượng cát lớn trên bãi dịch chuyển ảnh hưởng tới giao thông đường thủy. Đây chỉ là một hạng mục nhỏ trong dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (dự án WB6) có tổng mức đầu tư 201,5 triệu USD, trong đó 171,5 triệu USD là vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và 30 triệu USD vốn đối ứng của Việt Nam.
Dự án sẽ tiến hành nâng cấp các hành lang đường thủy quốc gia (Việt Trì - Quảng Ninh, Hà Nội - Lạch Giang), nâng cấp cửa sông Ninh Cơ và kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ; nâng cấp cảng Việt Trì và cảng Ninh Phúc; các bến khách ngang sông thuộc 14 tỉnh, TP khu vực đồng bằng Bắc Bộ… Vì nhiều lý do, hiện Cục Đường thủy nội địa đang làm các thủ tục để xin điều chỉnh vốn dự án thêm khoảng 75 triệu USD.
Nhiều lo lắng
TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng sông Hồng nói riêng và các dòng sông nói chung có dòng chảy rất khó lường, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Điều này khiến công trình chỉnh trị dòng sông, hạn chế xói lở rất khó khăn. Đối với những dự án chưa được triển khai nhiều ở Việt Nam như thế này cần phải nghiên cứu thật kỹ.
Cho rằng hệ thống tường bê tông này không hướng tới mục đích chặn hoàn toàn dòng chảy của sông Hồng khi lũ về, đại diện Phòng Dự án vốn nước ngoài cho biết nếu lũ sông Hồng đổ về đạt cấp 3, dòng nước sẽ tràn qua hệ thống tường bê tông và cả bãi nổi. Điều này giúp bức tường bê tông an toàn hơn và không trở thành một lực cản khi gặp dòng nước dữ.
Ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, cho biết các bộ, ngành liên quan như Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội, Sở NN-PTNT Hà Nội… đều đã tham gia đánh giá, thẩm định về các mặt như tác động môi trường, phòng chống thoát lũ, nguy cơ gây sạt lở, bảo đảm an toàn cho hệ thống kè trên sông và trên bờ của công trình này. “Chúng tôi đã đo đạc, khảo sát, chạy mô hình để tính toán về diễn biến dòng chảy rồi xin ý kiến các bộ, ngành và khi được đồng ý rồi mới thực hiện. Hệ thống bờ bãi hai bên sông chỗ nào phải kè để chống sạt lở, chỗ nào cứ để tự nhiên đều đã nằm trong tính toán” - ông Cừu nói.
Ngại các hồ thủy điện Một chuyên gia thuộc Đại học Thủy lợi Hà Nội cho rằng xây dựng các công trình trị thủy trên sông là rất phức tạp. “Có thể bây giờ sông Hồng cạn nước do có các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La và sắp tới là Lai Châu. Nhưng với diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên nhiên đang ngày càng khó lường như hiện nay thì không thể biết được một lúc nào đó do thượng nguồn quá nhiều nước, các hồ thủy điện phải đồng loạt xả lũ thì các công trình trị thủy bê-tông cốt thép nằm giữa sông như thế này sẽ khó an toàn” - vị chuyên gia này nói. |
Bình luận (0)