Lần theo diễn biến của sự việc, dễ nhận thấy đây là sự tính toán, sắp xếp của người lớn nhưng cuối cùng người nhận hậu quả là thí sinh, những người trẻ chuẩn bị vào đời. Đây không phải lần đầu và chắc hẳn cũng chẳng phải lần cuối người ta chứng kiến chuyện "chạy trường", "chạy điểm". Có điều lần này tinh vi, trắng trợn đến khó ngờ và hơn tất cả là do chính người có trách nhiệm kiểm soát việc chấm thi thực hiện.
Các thí sinh được nâng điểm về mặt nào đó thật đáng thương. Họ chính là nạn nhân của tình thương không đúng cách của cha mẹ. Sự lo lắng, bao bọc, mong muốn những điều tốt đẹp cho con em mình đã khiến người lớn có những hành động dẫn đến sự tiếp tay, dung dưỡng cho những điều sai trái. Nguy hại hơn, nếu vụ này êm xuôi, các bạn trẻ này rồi sẽ thành người như thế nào khi bước qua thử thách đầu đời với suy nghĩ rằng tài năng, nỗ lực tự thân không được xem trọng mà chỉ thấy sự lo lót, chạy chọt mới là quyết định.
Mặt khác, cú sốc này cũng có thể là sự may mắn của các thí sinh, bởi nếu qua trót lọt kỳ thi, họ sẽ ung dung vào đại học với điểm số cao ngất, trong 4 năm đại học họ sẽ như thế nào khi lực học thực tế không theo kịp chương trình đại học, sẽ lại tiếp tục con đường "chạy thầy", "xin điểm" chăng? Vậy đến bao giờ mới có thể bỏ xuống tấm mặt nạ của kẻ dối trá? Hay sẽ đeo nó suốt đời.
Chắc hẳn, trong số những thí sinh này không phải ai cũng hài lòng với sự sắp đặt của cha mẹ trong việc lựa chọn nghề nghiệp sau này. Có thể những ước mơ, hoài bão tuổi trẻ đã bị bỏ qua trước áp lực, kỳ vọng của gia đình. Thế nên, ở góc độ khác, tôi tin đây sẽ là cơ hội để họ được lựa chọn lần nữa, dấn thân theo đuổi giấc mơ, khát vọng của bản thân thay vì buông xuôi, chấp nhận con đường trải hoa hồng mà gia đình đã dọn sẵn.
Bình luận (0)