Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp các vụ ném đá xe khách gây bức xúc trong dư luận đã xảy ra trên Quốc lộ 14 (đoạn từ tỉnh Đắk Nông đến Kon Tum), đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên... Những vụ ném đá này đã làm hư hỏng tài sản, gây trọng thương cho nhiều người, làm mất an toàn giao thông.
Không để cái ác lộng hành
Phân tích những vụ việc trên, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, cho rằng đây là hành vi lệch chuẩn xã hội, vi phạm pháp luật, côn đồ và rất tàn nhẫn. Vấn đề không dừng lại ở chuyện xử phạt mà còn phải được nhìn nhận trên bình diện cả xã hội để giảm những hành vi độc ác này hay các hành vi thiếu ý thức khác trong cuộc sống. Giải quyết vấn đề này cần nhìn toàn cục, từ giáo dục ở gia đình, nhà trường đến xã hội và điều thiết yếu là phải xử lý nghiêm khắc để răn đe.
Ông Nguyễn Văn Quang (ngụ huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), kể: “Năm vừa rồi, gia đình tôi đi xe 7 chỗ từ Quảng Nam về Đắk Lắk. Lúc xe ngang qua tỉnh Gia Lai đã rất khuya. Một tốp thanh niên bên đường bỗng dưng ném đá tới tấp vào xe chúng tôi. Vợ và 3 con trai tôi hoảng hốt cúi sát xuống sàn xe. Tôi phải chấp nhận nguy hiểm ngồi thẳng người để lái xe. Cũng may, dù xe bị móp hàng chục chỗ và vỡ kính cửa nhưng cả nhà tôi không bị đá ném trúng”.
Theo ông Quang, nhiều người quen của ông cũng từng là nạn nhân của trò ném đá này. Đây là hành vi côn đồ, xem thường tính mạng người khác nhưng không hiểu sao vẫn tồn tại qua nhiều năm và những kẻ gây ra hành vi này vẫn cứ thích thú, nhởn nhơ.
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều người từng là nạn nhân của những vụ ném đá bức xúc: “Ngoài một số vụ ném đá do ham vui, thách thức nhau thì không ít vụ có chủ đích. Đó là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe hay nhà xe không chung chi cho một số đối tượng côn đồ ở vài địa phương...”.
Cực kỳ nguy hiểm
Không phải vô cớ mà hành vi ném đá vào xe khách ngày càng rộ lên. Mới đây, một nhóm thanh niên ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã ném đá xe khách vào tối 28-6 làm 5 người bị thương, trong đó tài xế Phan Văn Đoàn (45 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) có nguy cơ bị hỏng mắt. Ông Nguyễn Ngọc Chương, tài xế xe khách tuyến Bình Thuận - TP HCM, nhìn nhận: “Bao năm qua, chúng ta ít nghe nói người ném đá bị bắt, xử lý đến nơi đến chốn. Ngay cả vụ xe cứu thương đưa người cấp cứu ngang qua tỉnh Đồng Nai bị ném đá làm trọng thương y tá cách đây không lâu cũng chẳng thấy kết quả xử lý như thế nào”.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP HCM, hành vi ném đá xe khách của nhóm thanh niên ở Đắk Mil cho thấy dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác” theo điều 104 Bộ Luật Hình sự. Việc những thanh niên này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt nào còn phụ thuộc vào kết luận giám định về tỉ lệ thương tật.
Ném đá vào xe người khác là cực kỳ nguy hiểm. Trách nhiệm ngăn chặn những hành vi côn đồ này thuộc về các cơ quan chức năng địa phương. Nếu không xử lý là vô trách nhiệm. Nếu xử lý không được là yếu kém. Không thể viện bất cứ lý do gì để biện hộ cho việc bất lực trước hành động côn đồ, gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác như thế. Khi hung thủ ném đá đã bị bắt thì người dân cũng muốn biết chúng sẽ bị xử lý như thế nào. Nếu không nghiêm khắc thì sẽ khó ngăn chặn được những hành vi côn đồ, dã man như thế tiếp diễn.
Ném đá “cho vui”, bé gái 5 tuổi nhập viện
Ngày 2-7, Công an huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum cho biết đã gọi 3 đối tượng là A Hoài (SN1999), A Héo (SN 1999) và Phạm Văn Bảo (SN 2001) - đều trú tại xã Tân Cảnh, huyện Đắk Tô - lên làm việc vì hành vi ném đá xe khách.
Trước đó, đêm 1-7, xe khách của hãng Minh Quốc (tỉnh Kon Tum) do tài xế Trần Đức Việt điều khiển lưu thông trên Quốc lộ 14 theo hướng Kon Tum - Đà Nẵng. Khi đến cầu Tri Lễ, đoạn qua xã Tân Cảnh, thì xe này bị 3 đối tượng nêu trên ném đá làm mảnh kính bên hông vỡ văng vào mắt khiến cháu Lê Hà Phương Uyên (SN 2010, ngụ thị trấn Đắk Tô) bị thủng võng mạc, phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Tại cơ quan công an, các đối tượng cho rằng ném đá xe khách “cho vui”.
H.Thanh
Đối mặt án tù 5 - 15 năm
Luật sư Nguyễn Đức Chánh cho rằng việc ném đá gây ra thương tật được xem là dùng “hung khí nguy hiểm” theo điểm a khoản 1 điều 104 Bộ Luật Hình sự. Nếu nạn nhân bị thương tật trên 31% thì người ném đá sẽ đối mặt khung hình phạt từ 5 đến 15 năm theo khoản 3 điều 104 Bộ Luật Hình sự.
Ngoài ra, nếu hành vi ném đá gây hư hỏng tài sản của người khác có giá trị trên 2 triệu đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo điều 143 Bộ Luật Hình sự. Theo đó, người nào hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Bình luận (0)