Nộp hồ sơ xin việc vào một doanh nghiệp ở quận 3 (TP HCM), anh Trần Văn Thắng (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) được yêu cầu phải có chứng thực sao y bản chính của UBND phường dù đã đưa hồ sơ gốc để đối chiếu. “Có thể kiểm tra trực tiếp, sao cứ phải mất thời gian, tiền bạc chứng thực làm gì, phiền phức và không cần thiết” - anh Thắng nói.
Thủ tục rườm rà
Theo chủ tịch một phường ở quận Thủ Đức, hiện rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp yêu cầu người dân đi sao y bản chính một số loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… Mỗi tờ sao y quy định lệ phí 2.000 đồng, trung bình mỗi năm nguồn thu từ lệ phí sao y, chứng thực khoảng 1 tỉ đồng, cho thấy số văn bản cần chứng thực, sao y nhiều đến mức nào. Ngoài 4 cán bộ tư pháp chỉ chuyên cho công tác sao y, chứng thực, chủ tịch và các phó chủ tịch phải thay nhau trực để ký. “Ngày nào mà trực ký sao y, chứng thực thì không còn thời gian để làm những công việc khác” - vị này than phiền.
Luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An) cho rằng việc quá đòi hỏi sao y bản chính là không cần thiết. Ví dụ, khi nộp đơn khởi kiện ở tòa án, Bộ Luật Tố tụng Dân sự quy định thư ký phải đối chiếu bản chính và đóng dấu đã đối chiếu, như vậy bản sao y trở thành dư thừa. Hay như nhiều cơ quan dù có bản sao y vẫn đòi bản chính để đối chiếu như ngân hàng yêu cầu bản chính giấy CMND. “Do đó, quy định sao y bản chính nhiều khi không còn ý nghĩa và là thủ tục hành chính rườm rà. Hiện các phòng công chứng và văn phòng công chứng đủ đáp ứng công việc này. Nhà nước nên chuyển giao cho công chứng viên để tiết kiệm ngân sách và đơn giản hóa thủ tục hành chính” - luật sư Thư đề xuất.
Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trong trường hợp cán bộ tư pháp không đủ năng lực thẩm định, đối chiếu, phát hiện bản chính là giả trong lúc sao y, chứng thực sẽ dẫn đến những hệ lụy vì những chế tài trách nhiệm chưa đủ mạnh, người dân không thể khởi kiện để tuyên bố văn bản chứng thực vô hiệu trong trường hợp phát hiện sai, giả mạo… Trong khi đó, theo quy định hiện nay, các phòng công chứng có chế độ mua bảo hiểm, bồi thường trách nhiệm khi công chứng sai. Bộ Luật Tố tụng Dân sự cũng cho phép người dân khởi kiện văn phòng công chứng nếu vi phạm về nội dung, hình thức... để tuyên bố văn bản công chứng bị vô hiệu.
“Cần rà soát, bãi bỏ những rào cản thủ tục hành chính rườm rà, giảm thiểu cho người dân chi phí, thời gian, công sức khi thực hiện các giao dịch dân sự, hành chính” - luật sư Quynh nói.
Công chứng viên có quyền chứng thực
Theo các chuyên gia pháp lý, công chứng và chứng thực là 2 khái niệm khác nhau. Luật sư Huỳnh Công Thư cho biết quy định tại điều 2 Nghị định 23/2015, chứng thực bao gồm các hoạt động như: cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ. Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
Còn theo điều 2 Luật Công chứng, công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại mà theo quy định pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Thẩm quyền công chứng là do công chứng viên hoặc trưởng phòng và phó phòng tư pháp cấp quận, huyện thực hiện. Công tác chứng thực sao y bản chính trước đây chỉ giao cho cơ quan nhà nước thì nay, theo Nghị định 23/2015, công chứng viên cũng có thẩm quyền chứng thực.
Các loại giấy tờ, giao dịch cần được công chứng, gồm: hợp đồng, giao dịch về bất động sản, động sản; hợp đồng thế chấp tài sản; hợp đồng ủy quyền; di chúc; văn bản thỏa thuận phân chia di sản; văn bản khai nhận di sản; công chứng văn bản dịch và sao y bản chính các loại giấy tờ.
“Công chứng viên được đào tạo bài bản, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, chịu sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của Sở Tư pháp. Công chứng viên không chỉ kiểm tra tư cách chủ thể hợp đồng mà còn bảo đảm nội dung hợp đồng là hợp pháp, đối tượng hợp đồng là có thật và đã kiểm tra. Ngược lại, cán bộ chứng thực ở cấp phường chưa qua đào tạo, việc chứng thực chỉ xác nhận chữ ký các bên trong giao dịch chứ không xem xét nội dung của hợp đồng” - một chuyên gia pháp lý cho biết.
Đưa thông tin lên website
Luật sư Huỳnh Công Thư cho biết ở nhiều nước phát triển, rất ít nhu cầu sao y bản chính vì các bất động sản hay giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản không cấp cho người dân bản chính. Chủ sở hữu chỉ cần đăng ký tài sản vào cơ quan quản lý nhà đất địa phương. Khi giao dịch, họ chỉ cần tự in thông tin đó ra, công chứng viên truy cập vào trang web của cơ quan quản lý để biết mà công chứng hợp đồng chuyển nhượng. Làm như vậy vừa không gây phiền hà cho người dân vừa tránh được giấy tờ giả hay lừa đảo. Ngoài ra, người dân muốn sao y bất cứ giấy tờ gì, chỉ cần liên hệ công chứng viên. Trong điều kiện công nghệ phát triển, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được việc này.
Bình luận (0)