Theo quy định hiện hành, giá dịch vụ khám chữa bệnh được điều chỉnh bởi ít nhất 5 văn bản luật: Luật Khám chữa bệnh, Luật Giá, Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Mỗi văn bản đều có quy định về thẩm quyền quản lý, quyết định về giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Đơn cử, khoản 3 điều 88 Luật Khám chữa bệnh năm 2009 quy định bộ trưởng Bộ Tài chính phối hợp với bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh... Theo khoản 4, căn cứ vào khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 3 điều này, bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế và các bộ khác. Còn HĐND cấp tỉnh quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế của nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo đề nghị của UBND cùng cấp.
Trong khi đó, khoản 3 điều 22 Luật Giá năm 2012 quy định bộ trưởng Bộ Tài chính, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh định giá hàng hóa, dịch vụ quy định tại điều 19 của luật này theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ. Khoản 4 điều 8 Nghị định số 177/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá nêu rõ thẩm quyền và trách nhiệm định giá của UBND tỉnh: “Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương”...
Như vậy, việc quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh được giao cho ít nhất 4 cơ quan chủ yếu, gồm: Bộ Y tế, Bộ Tài chính, HĐND và UBND cấp tỉnh. Chưa nói đến những hệ lụy mà người bệnh phải gánh chịu như giá thuốc khám chữa bệnh tăng cao do quản lý chồng chéo, thiếu công khai, minh bạch, việc này còn gây ra những phiền toái, rắc rối cho các cơ quan chức năng khi triển khai thực hiện cũng như xác định trách nhiệm nếu xảy ra sai sót.
Thiết nghĩ, chỉ nên giao Bộ Y tế làm đầu mối quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh duy nhất trên phạm vi toàn quốc. Các đơn vị khác có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế, cơ quan quản lý y tế các cấp thực hiện việc quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Ví dụ, liên quan đến việc đấu thầu, thẩm định và phê duyệt giá thuốc, Bộ Y tế, cơ quan quản lý y tế có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền quyết định. Khi đó, cơ quan tài chính cùng cấp chỉ thuần túy thực hiện chức năng giám sát các thủ tục về quản lý giá thuốc chứ không trực tiếp tham gia toàn bộ quy trình. Điều này sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, tiêu cực trong việc xác định giá, đấu thầu, phê duyệt giá… đối với dịch vụ khám chữa bệnh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, điều hành giá dịch vụ khám chữa bệnh và xác định trách nhiệm.
Bình luận (0)