Bộ Y tế đang trình dự thảo Luật Dân số để thay thế Pháp lệnh Dân số. Tại điều 11 của dự thảo luật quy định điều chỉnh mức sinh. Theo đó, phương án 1, các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con, quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, TP để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước. Phương án 2, giữ nguyên các quy định như hiện hành, chỉ sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Bộ Y tế cho biết ủng hộ phương án 1 vì hiện tại Việt Nam đã thành công trong việc duy trì mức sinh thay thế (2,1 con) 10 năm qua; dân số Việt Nam hiện đang có xu hướng già hóa, thiếu nhân lực ở độ tuổi lao động, mất cân bằng giới tính nghiêm trọng…
Theo tôi, muốn thay đổi chính sách dân số, cần phải đánh giá những tác động một cách toàn diện. Mức sinh của người dân ở các TP lớn có xu hướng giảm nhưng ở nông thôn, miền núi, đa số các gia đình có từ 3-4 con. Nhà nghèo lại sinh con nhiều nên chất lượng dân số rất thấp, như: suy dinh dưỡng, bỏ học nhiều, tảo hôn…
Ngoài ra, áp dụng phương án 1 sẽ dẫn đến nguy cơ bùng nổ dân số đột biến. Đặc biệt, các đối tượng là công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước muốn sinh thêm con hoặc đã 2 con gái nhưng muốn sinh con trai. Việc tăng dân số kéo theo hàng loạt các vấn đề như tăng chi ngân sách để mở rộng các cơ sở y tế, giáo dục, chế độ thai sản cho người lao động, an sinh xã hội, quản lý dân cư, giải quyết việc làm, phòng - chống tệ nạn xã hội phát sinh...
Do đó, tôi rất đồng tình với phương án 2 là giữ nguyên các quy định như hiện hành, chỉ sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Nhà nước chỉ cho phép các đối tượng có điều kiện sinh con như đủ điều kiện về sức khỏe, kinh tế, có khả năng chăm sóc, nuôi dạy con; khuyến khích các gia đình có 1 con tiếp tục sinh con thứ 2 kèm theo những chính sách hỗ trợ của nhà nước… Cần đề ra các chính sách để nâng cao chất lượng dân số ở nông thôn, miền núi; thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân duy trì mức sinh theo quy định để có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy; xóa bỏ những tư tưởng lạc hậu, định kiến về giới của người dân…
Như vậy, chúng ta mới có thể duy trì mức sinh phù hợp, ổn định, cân bằng dân số và nhà nước có điều kiện để chăm lo, nâng cao chất lượng dân số.
Bình luận (0)