“Hiệp sĩ” được hiểu là người tự nguyện can thiệp vào những chuyện bất bình nhằm xác lập công bằng cho kẻ yếu thế bị ức hiếp, xâm hại. Các “hiệp sĩ” không được trao những quyền hạn như giam giữ, điều tra, hỏi cung... nhưng có quyền chủ động can thiệp, dùng vũ lực trong giới hạn pháp luật cho phép để ngăn chặn, dập tắt các vụ vi phạm pháp luật.
Điều 82 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2003 cho phép các hội viên của CLB này có quyền bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. Với tư cách là công dân, các “hiệp sĩ” cũng được quyền bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã.
“Hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến (giữa) và các “hiệp sĩ” ở TPHCM tham gia tuần tra, phòng chống tội phạm về đêm. Ảnh: QUÝ LÂM
Hiệu quả tích cực
Mô hình “hiệp sĩ đường phố” cũng đã xuất hiện từ lâu nhưng chính thức bắt đầu được công nhận từ năm 2006 khi UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định 203/2006/QĐ-UBND ngày 16-8-2006 về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của CLB phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thành lập và hoạt động của mô hình này.
Theo quy chế đó, các CLB phòng chống tội phạm chịu sự lãnh đạo trực tiếp của UBND cấp xã và được hướng dẫn hỗ trợ nghiệp vụ, pháp lý từ các ngành công an, quân sự. Các CLB chia làm 2 bộ phận gồm bộ phận tuyên truyền phổ biến pháp luật và bộ phận xung kích phòng chống tội phạm, tuần tra bắt giữ đối tượng phạm pháp quả tang nơi công cộng.
Thời gian qua, mô hình “hiệp sĩ” này đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, các “hiệp sĩ” đã bắt quả tang nhiều vụ cướp giật, trộm cắp…, góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Những việc làm của họ đã được Nhà nước, xã hội công nhận và tôn vinh.
Phòng chống tội phạm là nhiệm vụ toàn dân
Tuy nhiên, hoạt động của các “hiệp sĩ” cũng đã phát sinh nhiều vấn đề. Cụ thể: Pháp luật nước ta hiện chưa có quy định về mô hình này, quyền hạn và nghĩa vụ của các “hiệp sĩ” như thế nào? Vụ 10 “hiệp sĩ” tỉnh Bình Dương bị Công an quận 12 - TPHCM triệu tập vì liên quan đến vụ cưỡng đoạt tài sản là lời cảnh báo đối với mô hình này.
Sau khi vụ việc xảy ra, đã có nhiều ý kiến cho rằng không nên duy trì mô hình “hiệp sĩ” vì chúng ta thiếu cơ sở pháp lý; mặt khác, việc phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội là thuộc nhiệm vụ và chức năng của các cơ quan công quyền như công an, dân phòng… chứ không phải của các “hiệp sĩ”. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhiệm vụ phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, đây không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước mà còn của các tổ chức, đoàn thể và của cả người dân.
Tinh thần này cũng đã thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 09/1998/NQ-CP ngày 31-7-1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Việc thành lập các CLB phòng chống tội phạm trên cơ sở nghị quyết này và coi công tác phòng chống tội phạm là sự nghiệp của toàn dân. Trong xu hướng tình hình tội phạm ngày càng gia tăng, nhất là tại các địa bàn kinh tế mới nổi, việc thành lập các CLB “hiệp sĩ” sẽ bổ trợ, tiếp sức cho các cơ quan công quyền trong cuộc chiến đấu cho một xã hội có trật tự cũng như cuộc sống bình yên của người dân.
Bên cạnh đó, theo mô hình này thì các CLB phòng chống tội phạm tuy lực lượng nòng cốt là người dân tự nguyện tham gia nhưng lại chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của UBND xã và được sự hỗ trợ của các cơ quan công an, quân sự… Vì vậy, có thể nói rằng đây là “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương nhằm đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Xuất phát từ những lý do trên, chúng ta cần phải tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “hiệp sĩ” này.
Gia nhập lực lượng dân quân tự vệ?
Để mô hình “hiệp sĩ” có điều kiện hoạt động theo đúng quy định pháp luật và phát huy hiệu quả hơn nữa, xin kiến nghị một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất là cơ sở pháp lý. Hiện nay, điều chỉnh trực tiếp mô hình này chỉ có văn bản mang tính pháp lý duy nhất là Quyết định 203/2006/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, quy chế này còn chung chung, chưa có quy định cụ thể về quyền hạn và nghĩa vụ của các “hiệp sĩ”. Chính vì thế, để mô hình “hiệp sĩ” có điều kiện phát triển, đề nghị Bộ Công an, Bộ Nội vụ cần sớm ban hành các quy định theo thẩm quyền của mình để điều chỉnh, đồng thời cần có các quy định cụ thể, rõ ràng về quyền hạn và nghĩa vụ, phạm vi hoạt động của các “hiệp sĩ” khi tham gia công tác phòng chống tội phạm…
Trường hợp cần thiết, có thể cho các “hiệp sĩ” gia nhập lực lượng dân quân tự vệ để các “hiệp sĩ” có cơ sở và điều kiện hơn nữa trong việc tham gia hoạt động phòng chống tội phạm.
Thứ hai, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ, đào tạo nghiệp vụ, pháp luật… cho các “hiệp sĩ”. Cần xem xét các CLB là những tổ chức tự nguyện có tính chất đặc thù để hỗ trợ kinh phí theo quy định tại điều 35 Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21-4-2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Chính quyền địa phương, nhất là cơ quan công an, cần tăng cường đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ và các quy định pháp luật liên quan cho “hiệp sĩ”...
Bình luận (0)