Hiện có ít nhất 8 loại vắc-xin đã được các cơ quan chức năng uy tín thế giới, quốc gia phê duyệt. Các nhà sản xuất vắc-xin ở châu Âu, Mỹ đang tiến một bước mới khi nghiên cứu sản xuất các loại vắc-xin Covid-19 thế hệ mới. Trong khi nước ta vẫn chưa sản xuất được thì việc mua khẩn cấp vắc-xin Covid-19 là rất cần thiết.
Theo hãng tin AFP, trên thế giới đã có gần 200 triệu người ở ít nhất gần 95 quốc gia, vùng lãnh thổ được tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Nước Anh đến nay đã có hơn 15 triệu người được tiêm vắc-xin, đạt hơn 11% dân số. Thậm chí ở Indonesia, chính phủ xem việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 là bắt buộc với tất cả công dân, nếu cần thì có thể sẽ "cưỡng chế". Theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO), số người được tiêm vắc-xin Covid-19 trên thế giới đã vượt số ca mắc. Yếu tố đó góp phần quan trọng làm giảm lượng người mắc Covid-19.
Thế giới đang có nhu cầu rất cao về vắc-xin Covid-19, trong khi sản xuất có hạn. Tại Thái Lan, vì không tự sản xuất được vắc-xin Covid-19, tập đoàn Siam Bioscience đang đàm phán với AstraZeneca để nhận chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất vắc-xin Covid-19, đến khoảng giữa năm 2021 có thể sản xuất được.
Trong khi đó, vắc-xin Nano Covax do Việt Nam tự sản xuất đến ngày 26-2 mới tổ chức tiêm mũi đầu tiên của giai đoạn 2. Nếu đúng tiến độ, đến cuối tháng 4-2021 sẽ có kết quả của giai đoạn 2. Giai đoạn 3 có thể bắt đầu trong tháng 5-2021, đến hết năm 2021 mới xong giai đoạn 3. Nếu đúng tiến độ, phải đến năm 2022, nước ta mới có thể sản xuất được vắc-xin Covid-19. Đó là một thành công rất đáng khích lệ, trong khi Nhật Bản chỉ mới thử nghiệm vắc-xin tương tự ở giai đoạn 1.
Đó là lý do Trung tâm Tiêm chủng vắc-xin (VNVC) Việt Nam đã ký kết với AstraZeneca cung cấp 30 triệu liều cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2021. Bộ Y tế đã cho phép AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu ngay 204.000 liều vắc-xin để phục vụ nhu cầu khẩn cấp chống Covid-19. Dự kiến đến ngày 28-2, lô vắc-xin đầu tiên này sẽ về Việt Nam.
Cùng đó, khoảng 4,88 triệu liều vắc-xin của COVAX Facility cũng dự kiến sẽ về đến Việt Nam trong tháng gần đây. Việt Nam có sẽ khoảng hơn 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho hơn 5 triệu người. Ngoài ra, chương trình COVAX của WHO cũng cam kết từ nay đến cuối năm 2021 sẽ cung cấp cho Việt Nam từ 4.886.400 liều đến 8.253.600 liều vắc-xin.
Như vậy, từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam có hơn 13 triệu liều vắc-xin Covid-19 - mới chỉ đủ tiêm mũi một cho khoảng hơn 6,5 triệu người, chủ yếu dành cho những người ở tuyến đầu chống dịch và số người có nguy cơ cao. Do đó, Việt Nam vẫn thiếu vắc-xin Covid-19 nghiêm trọng.
Giải pháp hiệu quả là cần xã hội hóa nhập khẩu vắc-xin, để người dân sớm tiếp cận được.
Mới đây, lãnh đạo Trường ĐH FPT (từng có BN 1815) công bố kế hoạch mua khoảng100.000 liều vắc-xin Covid-19, trị giá khoảng 3-4 triệu USD (80-100 tỉ đồng), tương đương khoản hỗ trợ học phí của trường cho sinh viên trong năm 2020. "Với mong muốn ai cũng được tiêm vắc-xin, chúng tôi sẽ tiêm miễn phí như một dạng hỗ trợ người học, giảng viên với nguồn kinh phí từ quỹ phát triển của trường" - TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho biết.
Trước đó, Hải Phòng là địa phương tiên phong đề xuất được mua vắc-xin Covid-19 để tiêm chủng cho toàn dân TP tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy ngày 21-1. Theo đó, Hải Phòng đề xuất mua vắc-xin cho 2,051 triệu người dân Hải Phòng bằng nguồn ngân sách của TP này và hỗ trợ của Trung ương.
Đó là những đề xuất tích cực để người dân nhanh chóng tiếp cận với vắc-xin.
Ngay từ ngày 21-12-2020, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về vắc-xin phòng Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xác định khả năng sản xuất vắc-xin của các doanh nghiệp trong nước, tìm kiếm mua vắc-xin nước ngoài phù hợp, chất lượng bằng ngân sách quốc gia và các nguồn khác. Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Y tế cần hoàn thiện đề án cụ thể về số lượng, đơn giá, đối tượng tiêm, phương thức, hiệu lực vắc-xin, xác định mua của nước nào là phù hợp nhất. Bên cạnh ngân sách Nhà nước, cần xã hội hóa để có các nguồn lực cần thiết cho việc này.
Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa đề xuất cơ chế xã hội hóa việc mua vắc-xin Covid-19. Do vậy, theo TS Lê Trường Tùng, kế hoạch mua vắc-xin của Trường ĐH FPT chưa được ấn định thời gian cụ thể vì còn phụ thuộc thủ tục pháp lý, thương mại, vì vẫn chưa có quy định xã hội hóa cho việc cung cấp và sử dụng vắc-xin Covid-19 ở Việt Nam.
Đó là điều đáng tiếc. Nếu sớm ban hành cơ chế xã hội hóa việc nhập khẩu, sử dụng vắc-xin Covid-19 như một mặt hàng do nhà nước trực tiếp quản lý thì chắc chắn không chỉ Hải Phóng, Trường ĐH FPT mà còn có nhiều đơn vị, công ty khác xin nhập vắc-xin Covid-19, góp phần giảm áp lực cho hệ thống tiêm chủng phòng Covid-19 của hệ thống y tế nhà nước, tiết kiệm ngân sách. Bởi chắc chắn nếu có cơ chế nhập khẩu và sử dụng vắc-xin này, nhu cầu người dân muốn tiêm phòng Covid-19 rất lớn.
Từ nay đến cuối năm 2021, giá vắc-xin có thể rẻ hơn, dễ mua hơn. Đó cũng là cơ hội để ngành y tế chủ động đề xuất việc xã hội hóa nhập khẩu và tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Bình luận (0)