Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 về việc miễn nhiệm, từ chức có nêu rõ việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào 1 trong 4 trường hợp.
Cụ thể: (1) Hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
(2) Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng.
(3) Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.
(4) Vì lý do chính đáng khác của cá nhân. Từ đó cho thấy đối với việc từ chức còn là văn hóa, tự giác xét thấy bản thân không còn phù hợp để giữ vị trí đang đảm nhận. Đây cũng là định hướng phương pháp lãnh đạo cho các cấp, tổ chức, cá nhân trong bộ máy.
Lâu nay không ít quan niệm cho rằng chức vụ do cấp thẩm quyền quyết định và bổ nhiệm hoặc giới thiệu ra ứng cử. Cá nhân liên quan xem chuyện đề bạt lên hay xuống, cho nghỉ việc hay từ chức là trách nhiệm cấp trên, bản thân không có quyền từ chức.
Cũng có nhiều người ngay cả khi vi phạm pháp luật, mất uy tín và không còn phù hợp để đảm nhận vị trí đó nữa, vẫn không chủ động hoặc tự giác xin từ chức.
Thậm chí, có những trường hợp cán bộ bị kỷ luật nặng cũng không muốn áp dụng hình thức từ chức mà thay vào đó là được cho thôi nhiệm vụ vì "lý do sức khỏe" hoặc "lý do cá nhân".
Từ chức cần được xem là bình thường, còn là thước đo lòng tự trọng và vì mục tiêu chung cho phát triển, xét thấy bản thân thôi đảm nhận vị trí đó để nhường lại cho người phù hợp hơn càng đáng quý. Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam) xin nghỉ trước 2 năm với quan niệm từ chức để lớp trẻ phát triển, chức vụ không phải gia tài, điền sản của riêng ai.
Hai chữ "từ chức" không phải bây giờ mới có và ở nước ngoài xem là chuyện bình thường, không có gì ngạc nhiên, thậm chí còn khuyến khích khi người đó nhận thấy công việc mình đảm nhận không thể hoàn thành, không phù hợp. Điều cơ bản hơn nữa là cá nhân biết chịu trách nhiệm với vai trò, vị trí mình đang giữ.
Quy định 41-QĐ/TW nêu cụ thể về các trường hợp sẽ miễn nhiệm, cho từ chức. Hy vọng cán bộ, lãnh đạo soi lại mình nếu thấy phạm phải 1 trong 4 căn cứ đã nêu, hãy mạnh dạn xin từ chức và nên xem việc từ chức là bình thường.
Ngoài ra, cần nâng cao thêm vai trò và trách nhiệm giám sát của các cơ quan chức năng, ủy ban kiểm tra các cấp, thanh tra nhân dân, đoàn thể xã hội để kịp thời phát hiện những người có nghĩa vụ phải từ chức.
Bình luận (0)