Mới bước vào đầu vụ sản xuất 2014-2015 nhưng ngành mía đường đang gặp khủng hoảng khi giá mía nguyên liệu thấp, đường tồn đọng cao. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN- MT) vừa có kiến nghị đóng cửa 2 nhà máy đường tại ĐBSCL càng làm tình hình thêm trầm trọng.
Đến mùa lại... lỗ
Vùng mía huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là một trong những nơi bắt đầu vụ mía sớm nhất ĐBSCL. Theo ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Phụng Hiệp, vụ mía này toàn địa phương đã xuống giống 8.345 ha (giảm 1.200 ha so với năm rồi). Trong đó, Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) bao tiêu 6.250 ha với giá 810 đồng/kg (loại 10 chữ đường). Ông Tự cho biết: “Do mấy năm qua, người trồng mía thua lỗ, một số hộ trồng mía chuyển sang trồng cây khác nên diện tích mía năm nay giảm nhiều. Đối với những nơi trồng mía không có bao tiêu, hiện thương lái chỉ mua với giá 750 đồng/kg. Với giá này, nông dân từ huề đến lỗ do giá thành sản xuất đã từ 730-750 đồng/kg”.
Theo nông dân Phạm Văn Quốc (ngụ xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp), tình hình trồng mía của nông dân 3 năm qua rất bi đát. Do Phụng Hiệp là vùng trũng, phải thu hoạch mía chạy lũ, năm nào cũng bán mía sớm, chưa đạt chữ đường nên giá luôn thấp. “Năm nay tôi trồng 14 công mía nhưng giá mía đầu vụ chỉ từ 700 - 800 đồng/kg lại vắng bóng thương lái đến mua. Nếu không bán tháo lúc này, đợi khi lũ về thì giá mía còn xuống thấp hơn nữa”.
Ông Thạch Sô Phanh, Phó Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), cũng than vãn khi giá mía mấy năm nay luôn bất lợi cho nông dân. “Niên vụ mía này ở huyện Trà Cú trồng 4.761 ha nhưng khoảng 1 tháng nữa mới bước vào vụ thu hoạch. Giá mía 3 năm nay từ bằng hoặc thấp hơn giá thành nên nông dân thua lỗ”.
Nông dân bị vạ lây
Trong khi nông dân điêu đứng vì giá mía thì vừa qua, Bộ TN-MT kiến nghị Chính phủ tạm đình chỉ hoạt động 9 tháng đối với 2 nhà máy đường thuộc Công ty CP Mía đường Tây Nam (Cà Mau) và Công ty Mía đường Trà Vinh bởi không khắc phục được ô nhiễm. Trước thông tin này, lãnh đạo 2 tỉnh Trà Vinh và Cà Mau đã lo sốt vó vì nếu 2 nhà máy này đóng cửa thì ai sẽ tiêu thụ mía cho nông dân khi niên vụ mới đang bắt đầu.
Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Công ty Mía đường Trà Vinh, băn khoăn: Công ty bao tiêu hơn 3.000 ha mía tại huyện Trà Cú. Nếu nhà máy đóng cửa không chỉ khó khăn cho công ty mà “vạ lây” cả nông dân. Đa phần những hộ trồng mía tại Trà Cú là người Khmer, nếu nhà máy không hoạt động thì không ai thu mua mía cho họ. Những nhà máy khác trong khu vực ĐBSCL cũng đã có kế hoạch mua mía cho nông dân trong tỉnh của họ và đang thiếu vốn nên khó có thể mua mía của nông dân tỉnh Trà Vinh.
Một lãnh đạo của UBND tỉnh Cà Mau cho biết nếu nhà máy đường tại Cà Mau đóng cửa thì không biết hơn 1.800 ha mía tại các huyện: Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời bán cho ai. Dân không bán được mía sẽ kéo theo bất ổn về kinh tế - xã hội, an ninh, nhiều lao động thất nghiệp… Ông Thạch Sô Phanh cũng lo lắng: “Nếu nhà máy đường duy nhất của tỉnh Trà Vinh đóng cửa thì nông dân phải tính sao, số mía nguyên liệu sẽ bán đi đâu? Việc này sẽ làm cho nông dân thêm khốn khổ”.
Theo ông Lê Văn Hiệu, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Tây Nam, dù mấy năm nay tình hình tài chính của công ty khó khăn nhưng từ năm 2011 công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm, dù vậy đến nay chưa đạt theo quy định của ngành môi trường. UBND 2 tỉnh Trà Vinh và Cà Mau đã kiến nghị Bộ TN-MT xem xét gia hạn thời gian xử lý 2 nhà máy đường nói trên đến cuối niên vụ sản xuất mía đường 2014-2015. Cụ thể, nhà máy đường tại Trà Vinh xin gia hạn đến cuối tháng 4-2015, còn nhà máy đường tại Cà Mau xin gia hạn đến tháng 6-2015 nhưng Bộ TN-MT vẫn không đồng ý.
Tìm cách tăng thu nhập cho nông dân
Theo ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Casuco, niên vụ này giá thành sản xuất đường từ 13.000-13.500 đồng/kg, trong khi giá bán ra chỉ 12.000 đồng/kg. Lượng đường tồn kho cả nước hiện lên đến 356.000 tấn đã gây áp lực cho ngành mía đường nên giá thu mua mía trong dân sẽ không cao.
Trước thực trạng nông dân trồng mía thua lỗ nhiều năm liền, tỉnh Hậu Giang đã triển khai Đề án tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi (Đề án 1.000). Trong đó có chuyển đổi 1.000 ha mía kém hiệu quả ngoài đê bao sang trồng màu, cây ăn trái nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Ông Thạch Sô Phanh kiến nghị: “Nhà máy đường cần thay đổi công nghệ, không chỉ sản xuất đường mà còn tận dụng phế phẩm làm bia, rượu hoặc bánh kẹo. Nếu nhà máy hoạt động có lời thì mới mong mua giá nguyên liệu cao cho nông dân”.
Bình luận (0)