Luật sư TRẦN MINH HÙNG, Đoàn Luật sư TP HCM:
Sửa đổi, bổ sung luật phù hợp thực tế
Tội phạm có sử dụng bạo lực chiếm tỉ lệ tương đối cao, thường xảy ra dưới các tội danh như giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ và một số tội phạm khác…
Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội là mâu thuẫn về tình cảm, tiền bạc, quan hệ giao tiếp hay va chạm giao thông…, thường xuất phát từ nhận thức cá nhân còn hạn chế, đề cao cái tôi. Đặc biệt, tỉ lệ phạm tội của người trẻ tuổi ngày càng tăng do sống trong môi trường không lành mạnh, thường xuyên tiếp xúc và bị tiêm nhiễm lối hành xử bạo lực ngay từ gia đình, bạn bè, phim ảnh, mạng internet; những thiếu sót trong giáo dục đạo đức, lối sống…
Bên cạnh đó, pháp luật về phòng ngừa tội phạm giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế còn chưa tương thích, là kẽ hở để tội phạm lợi dụng. Ngoài ra, công tác đấu tranh chống tội phạm của các cơ quan chức năng vẫn còn bộc lộ một số thiếu sót: trình độ nghiệp vụ, pháp luật của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; mối quan hệ giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa thực sự đồng bộ, thiếu thống nhất trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, giáo dục, cải tạo phạm nhân…
Các đối tượng chém nhau chỉ vì tiếng nẹt pô bị Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương tạm giữ Ảnh: THẢO NGUYỄN
Để giảm thiểu bạo lực cần phải thực hiện triệt để việc thực thi pháp luật, đồng thời cần sửa đổi, bổ sung luật phù hợp với thực tế. Đặc biệt, giải pháp quan trọng là tăng cường, nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa xã hội, coi trọng phòng ngừa tội phạm từ gia đình và ngay tại cơ sở. Thực tế có nhiều vụ cố ý gây thương tích, đối tượng kéo bè kết nhóm để giải quyết mâu thuẫn, nhất là trong giới trẻ; một số trường hợp đánh nhau gây thương tích giữa những người thân trong gia đình... Do đó, cần phải sớm phát hiện, giải quyết mâu thuẫn từ cơ sở. Các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương phải đi sát với đời sống người dân để sớm phát hiện và giải quyết mâu thuẫn bằng công tác hòa giải từ cơ sở.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là truyền thông giáo dục về đạo đức, lối sống, chính sách, pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác và trách nhiệm tham gia phòng chống tội phạm đối với các tổ chức, cá nhân và gia đình. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh từ trong gia đình, nhà trường để các em có cách hành xử đúng đắn, phòng tránh được những mâu thuẫn dẫn đến xô xát, bạo lực.
Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn:
Nâng cao dân trí, đẩy mạnh tuyên truyền
Hầu hết các vụ án liên quan đến hành vi dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, nguyên nhân chủ yếu là do các bên có lời nói xúc phạm, thách thức nhau, muốn thể hiện bản thân… Có thể thấy, mọi hành vi dù gián tiếp hay trực tiếp đều liên quan đến sự thỏa mãn nhu cầu, lợi ích cá nhân. Khi không được đáp ứng, dưới sự tác động tương thích của các điều kiện diễn biến tâm lý bên trong và sự tác động của môi trường bên ngoài thôi thúc dẫn đến động cơ xuất hiện. Đây là yếu tố ban đầu dẫn đến những hành vi phạm tội, dù người thực hiện có khả năng nhận thức rõ hành vi đó là trái pháp luật, nguy hiểm cho xã hội.
Pháp luật hình sự hiện đã có những quy định cụ thể đối với những hành vi thực hiện có tính chất côn đồ, bằng các điều luật được quy định trong Bộ Luật Hình sự. Tùy theo hành vi, tính chất, mức độ mà định tội danh và hình phạt. Tuy nhiên, bên cạnh những bản án mang tính răn đe, cần nâng cao dân trí, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật hơn nữa trên báo chí, mạng xã hội, các kênh truyền thông... để người dân nhận thức được hành vi sử dụng vũ lực gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe, tính mạng của người khác là hành vi phạm tội, từ đó góp phần ngăn ngừa tội phạm.
Ngoài ra, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, VKSND, TAND.
Thạc sĩ tâm lý NGUYỄN THỊ NGỌC VUI, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM:
Kinh tế phát triển giúp hạn chế bạo lực
Khi chứng kiến các hành vi đánh, chém hoặc thường xuyên sử dụng các trò chơi điện tử mang xu hướng bạo lực, con người có xu hướng bắt chước hành vi đó. Nhà tâm lý học Albert Bandura cho rằng quan sát, bắt chước và hình mẫu hóa đóng một vai trò chủ chốt. Tất cả các hành vi đều được học tập qua quá trình điều kiện hóa. Các yếu tố môi trường sống, gia đình, xã hội, du nhập văn hóa… đều liên quan mật thiết đến hành vi.
Theo tâm lý học, con người là tổng hòa những mối quan hệ trong xã hội và là sản phẩm của môi trường sống xung quanh. Muốn thay đổi được một người rất khó vì nếu người đó thay đổi nhưng môi trường xung quanh không thay đổi thì vẫn dễ quen lại nếp cũ.
Để ngăn chặn hành vi bạo lực, phải hình sự hóa mọi hành vi dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rằng không được phép dùng bạo lực mà phải hành xử một cách văn minh hơn. Bên cạnh đó, cần bàn đến vấn đề kinh tế, khi xã hội phát triển hơn, con người sẽ bớt đi những bức bối, cảm xúc dồn nén, điều đó giúp giảm đáng kể tình trạng bạo lực.
Phạt thật nặng
Để loại bỏ hành vi côn đồ, phi văn hóa, nhiều bạn đọc cho rằng phải có sự kết hợp giáo dục từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội. Đặc biệt, cha mẹ phải làm gương, không thể phó mặc việc dạy dỗ con cho nhà trường và xã hội bởi tính cách con người hình thành từ cái nôi gia đình. Cha mẹ "hổ báo", cá biệt thì khó mà dạy con thành người có ứng xử văn hóa, văn minh.
Bên cạnh đó, hầu hết ý kiến đều đề nghị cần phải xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi manh động, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác. "Để hạn chế những cái đầu nóng, phải phạt thật nặng" - bạn đọc Nguyễn Hiền kết luận.
Bạn đọc Trần Trung Thành góp ý thêm: "Cơ chế xử phạt của ta vẫn chưa đủ tính răn đe, đặc biệt là việc xác định thiệt hại của nạn nhân để yêu cầu bồi thường vẫn rất bất cập. Cần thay đổi quy định, điều chỉnh khung hình phạt để tăng tính răn đe. Khi tiến hành xét xử, tòa án cần áp dụng hình phạt một cách thích đáng, mang tính răn đe với các đối tượng côn đồ, thích dùng bạo lực để giải quyết mọi mâu thuẫn trong đời sống".
H.Hiếu
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-8
Bình luận (0)