Có một thực tế, tình hình dịch bệnh kéo dài trong hơn 2 năm qua cũng đã khiến một số đơn vị, DN lâm vào tình trạng khó khăn, hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, không có doanh thu, thậm chí có đơn vị, DN mất khả năng thanh toán tiền đóng BHXH cho NLĐ. Nhưng cũng có không ít đơn vị, DN lợi dụng tình hình dịch bệnh, nại lý do khó khăn để chây ì, chiếm dụng, trốn đóng tiền BHXH.
Việc đơn vị, DN nợ đọng, chậm đóng hay trốn đóng BHXH, BHYT cho NLĐ đồng nghĩa là nhiều chế độ của NLĐ như chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và cả việc chốt sổ BHXH khi nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động... trên thực tế đã không được cơ quan BHXH giải quyết. Ngoài ra, việc chậm đóng hay trốn đóng tiền BHXH, BHYT cũng khiến chiếc thẻ BHYT, được xem là "chiếc bùa hộ mệnh" của NLĐ khi không may ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động... cũng không thể sử dụng đi khám chữa bệnh, điều trị do thẻ đã bị cơ quan BHXH khóa.
Đã có nhiều hồ sơ đơn vị, DN có dấu hiệu chây ì, chiếm dụng và trốn đóng tiền BHXH được chuyển sang cơ quan điều tra đề nghị điều tra, truy tố nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị, DN nào bị truy tố hoặc bị xử lý mạnh tay hơn. Việc chậm xử lý đối với các hành vi chiếm dụng, trốn đóng BHXH cũng đã phần nào khiến nhiều đơn vị, DN… "nhờn thuốc". Bên cạnh đó, hiện những quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục khởi kiện đơn vị, DN nợ đọng, chiếm dụng, trốn đóng tiền BHXH đối với NLĐ cũng còn khá nhiều bất cập.
Vì vậy, việc nhanh chóng điều tra, xử lý hình sự các đơn vị, DN có dấu hiệu chây ì, chiếm dụng, trốn đóng tiền BHXH cho NLĐ là biện pháp "cần và đủ" để răn đe, ngăn ngừa hành vi chiếm dụng, trốn đóng BHXH đã và đang diễn ra khá phổ biến như hiện nay.
Để nguồn quỹ BHXH được bình ổn, an toàn và có hiệu quả, cần nâng cao trách nhiệm cụ thể của người quản lý, người đứng đầu ngành BHXH trong việc quản lý nguồn tiền thu từ quỹ BHXH; tăng cường công tác quản lý nguồn lực từ quỹ BHXH. Việc thu, chi tiền từ nguồn quỹ BHXH phải bảo đảm minh bạch, đúng mục đích, chi đúng việc, đúng đối tượng. Việc đầu tư nguồn tiền từ quỹ BHXH ra bên ngoài cần có cam kết trách nhiệm của người quản lý, người đứng đầu ngành BHXH, bảo đảm mang lại lợi ích, hiệu quả để phục vụ chính sách an sinh xã hội cho NLĐ. Tránh để nguồn tiền từ quỹ BHXH bị lợi dụng hoặc đầu tư không đúng đối tượng, mục đích và bị chiếm dụng, gây thất thoát.
Bình luận (0)