“Họ múc đất từ nhiều tháng trước, chúng tôi đã phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng không thấy cơ quan nào can thiệp. Vị trí múc đất nằm ở cả trên và dưới thân đập hồ chứa Krông Búk Hạ, sát mép với đập tràn xả lũ. Đến thời điểm này, đất được múc trên diện tích gần 1.000 m2, có những nơi sâu gần 5 m, ảnh hưởng đến công trình và tạo những hố sâu gần đường, gây mất an toàn cho người, gia súc” - một người dân xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk phản ánh.
Múc đất làm đường nông thôn mới (?)
Công trình thủy lợi hồ chứa Krông Búk Hạ (thuộc xã Ea Phê) được khởi công từ tháng 12-2005 với tổng số vốn trên 3.000 tỉ đồng bằng nguồn trái phiếu của Chính phủ. Sau gần 10 năm xây dựng, hiện công trình đã hoàn thành phần lớn các hạng mục, đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất, biến khoảng 9.000 ha đất khô cằn của 2 huyện Krông Pắk và Ea Kar thành một vùng đất trù phú và là nơi trữ nước tránh ngập úng vào mùa mưa. Thế nhưng, đơn vị quản lý đã tự ý múc hàng ngàn khối đất đem bán, không đóng phí, thuế theo quy định và làm ảnh hưởng đến công trình
Trao đổi với chúng tôi về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc khai thác đất trái phép, ông Trần Thỏa Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Búk, khẳng định: “Không có chuyện đơn vị quản lý tự ý múc đất đi bán. Do nhu cầu làm đường nông thôn mới, tôi và một đồng chí lãnh đạo xã Ea Kênh tới trao đổi với đơn vị quản lý xin ít đất cho bà con làm đường. Người dân hỗ trợ cho công ty tiền dầu chứ không có chuyện bỏ tiền mua”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Đức, Giám đốc Chi nhánh Krông Pắk (trực tiếp quản lý hồ thủy lợi), thừa nhận không chỉ múc đất ở hồ chứa Krông Búk Hạ mà còn ở nhiều hồ khác để bán. “Đối với những tập thể, chúng tôi bán với giá 100.000 đồng/khối, đối với những cá nhân ở ngoài, chúng tôi bán với giá 120.000 đồng/khối. Đơn giá này chỉ là tiền đất và xăng dầu máy múc, còn tiền vận chuyển thì người mua phải trả” - ông Đức cho biết.
Tiền bán đất không nộp lại công ty
Lý giải về việc múc đất bán, ông Đức cho rằng hằng năm, công ty đều có chủ trương nạo vét lòng hồ để tăng dung tích hồ chứa chứ không tự ý múc đất, không vi phạm pháp luật. Đến thời điểm này, đơn vị đã bán được khoảng 2.000 khối đất. Tuy nhiên, trên thực tế, đơn vị này không chỉ múc đất ở trên thân đập mà còn cả dưới thân đập, nên nếu nói mục đích tăng dung tích hồ chứa thì khó thuyết phục.
Trong khi đó, ông Trần Thế Hoan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, phủ nhận việc khai thác đất là chủ trương của công ty và số tiền bán đất hiện ở đâu công ty cũng không biết. Ông Hoan lý giải: “Nói khai thác đất để tăng dung tích hồ chứa là không đúng vì đó không phải là đất lòng hồ. Bên cạnh đó, dung tích hồ thủy lợi Krông Búk Hạ có tổng dung tích hơn 90 triệu khối nước, nếu năm hạn hán thì cũng chỉ dùng hết 50-60 triệu khối nước”.
Như vậy, theo như giá đất mà ông Đức cung cấp cho phóng viên, chi nhánh này đã thu về hơn 200 triệu đồng. Là doanh nghiệp nhà nước, số tiền này không được nộp vào nguồn thu của doanh nghiệp thì đi về đâu?
Sẽ thành lập đoàn kiểm tra
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pắk, cho biết theo quy định, khi Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk muốn khai thác bất kỳ nguồn đất nào thì phải được sự cho phép của UBND tỉnh Đắk Lắk và được thông báo đến chính quyền địa phương.
“Tuy nhiên đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông báo nào. Qua nắm sơ bộ, việc khai thác đất để bán là sai phạm, gây thất thoát phí tài nguyên, quỹ phục hồi môi trường. Chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện Krông Pắk thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá việc khai thác đất ảnh hưởng như thế nào đến tổng thể công trình, xử lý theo quy định” - ông Hưng khẳng định.
Bình luận (0)