Năm 1999, trận lũ đá kinh hoàng đã cuốn trôi 6 ngôi nhà và làm chết 1 người khiến người dân ở thôn Thác Cạn, xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam luôn sống trong lo sợ. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã bố trí cho người dân tái định cư tại các thôn nằm gần trung tâm xã. Tại nơi ở mới, họ không có đất sản xuất nên phải trèo đèo, vượt sông trở về nơi cũ để mưu sinh.
Vắng hoe xóm mới
Hai thôn Hội Khách Đông và Hội Khách Tây nằm bên sông Vu Gia của xã Đại Sơn có hơn 60 căn nhà của những hộ dân tái định cư từ thôn Thác Cạn. Những ngôi nhà này thường vắng hoe, chỉ có người già và trẻ con. Bà Lương Thị Khôi (SN 1954, ngụ thôn Hội Khách Tây) cho biết bà đang ở cùng với 2 đứa cháu nội còn đang học tiểu học. Con trai và con dâu đang làm rẫy tại nơi ở cũ. “Đường lên chỗ cũ cách đó 10 km, qua 2 lần đò nên tụi nó phải dựng lều ở luôn tại đó. Một tuần, có khi một tháng, hai đứa mới về nhà” - bà Khôi nói.
Gia đình bà Khôi về tái định cư tại thôn Hội Khách Tây từ năm 2000. Từ đó đến nay, cả gia đình bà và con trai đều về làm rẫy ở chỗ cũ. “Định cư nơi đây thì mấy đứa nhỏ có chỗ ở ổn định nhưng ba mẹ chúng cực lắm, quanh năm phải ở ngoài rẫy. Được cấp cho 1 sào đất để làm nhà, tôi dành phần đất trống trước nhà để trồng hoa màu. Đất nơi đây khô cằn, trồng đậu phộng thì chết hơn phân nửa. Trồng rau thì héo rồi chết” - bà Khôi thở dài.
Cùng hoàn cảnh của bà Khôi, bà Lương Thị Lệ (SN 1961) cũng quanh năm ở nhà trông cháu. “Khi còn ở chỗ cũ thì hằng ngày tôi cũng đi làm rẫy nên cũng có chút thu nhập. Nay chuyển về đây thì mọi sinh hoạt, ăn ở đều do mấy đứa con chu cấp. Mình chỉ ở nhà trông coi mấy đứa cháu nhỏ thôi” - bà Lệ nói. Hầu hết người dân tái định cư nơi đây đều như thế, thiếu đất canh tác, họ phải trở về nơi cũ để mưu sinh.
Chưa thể lạc nghiệp
Theo đại diện UBND xã Đại Sơn, nơi ở mới mặc dù ổn định hơn về đường sá, điều kiện sinh hoạt, học tập nhưng không có đất để người dân sản xuất. Mỗi hộ tái định cư chỉ được cấp khoảng 1.000 m2 để vừa làm nhà vừa sản xuất. Ông Bùi Anh, một người dân được tái định cư tại thôn Hội Khách Tây, bức xúc: Đời sống của hơn 60 hộ dân tái định cư không ổn định. Nơi làm việc, sản xuất của bà con vẫn ở thôn Thác Cạn trong khi nơi này hằng năm đều bị tàn phá bởi lũ quét, cát bồi nên đất dần thu hẹp. Vừa đi lại khó khăn vừa mất dần đất sản xuất nên dẫu tái định cư thì người dân mới chỉ được an cư chứ chưa thể lạc nghiệp.
Lý giải về việc đời sống tái định cư của người dân bấp bênh, ông Dương Tài Liệu, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, cho biết: Quỹ đất ở những nơi tái định cư đã hết. Chính quyền xã chỉ có thể bố trí một diện tích đất nhỏ để người dân có nơi làm nhà và ổn định cuộc sống. “Không có đất thì chính quyền cũng bó tay vì lấy đâu ra đất để cấp cho bà con. Muốn sản xuất thì chỉ có cách là trở về nơi ở cũ. Tuy nhiên, đời sống của bà con tái định cư cũng được nâng cao bởi chỗ ở mới đầy đủ các điều kiện như đường sá thuận tiện, có trường học cho trẻ, gần trạm y tế và đủ điện nước sinh hoạt. Vậy là tốt rồi” - ông Liệu khẳng định.
Yêu cầu thủy điện bồi thường
Theo ông Dương Tài Liệu, từ ngày hình thành các dự án thủy điện đến nay, diện tích đất trồng hoa màu tại thôn Thác Cạn đã mất đi hơn 5 ha. Người dân tại thôn Hội Khách Tây cũng cho biết đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền yêu cầu thủy điện phải bồi thường cho người dân bị mất đất sản xuất. “Đất lở, cát bồi, nước cạn khiến sản xuất nông nghiệp của người dân càng lâm vào cảnh khốn khó. “Thủ phạm” - ngoài thiên tai - còn có sự góp sức không nhỏ của thủy điện nên phải có nghĩa vụ bồi thường cho dân” - ông Bùi Anh quả quyết.
Bình luận (0)