Dạo quanh các trang mạng xã hội có lượng người dùng đông đảo, không khó bắt gặp những dòng tâm sự bày tỏ mong muốn hết dịch sẽ về thăm gia đình kèm hình ảnh thân thương nơi quê nhà.
Diễn đàn bày tỏ yêu thương
Bên cạnh những chia sẻ trên tài khoản cá nhân (như Facebook, Zalo...), các group Facebook cũng là nơi nhiều người gửi gắm tâm tình về gia đình.
Group "Cháo hành miễn phí" với hơn 559.500 thành viên hiện là một trong những lựa chọn hàng đầu của nhiều người sử dụng mạng xã hội khi muốn tìm đọc hay đăng tải những nội dung người thật - việc thật có ý nghĩa nhân văn. Chiếm tỉ lệ khá lớn trong các bài đăng ở đây là những câu chuyện về tình cảm gia đình với đủ sắc màu nhưng ấm áp, nhẹ nhàng.
Tài khoản Ling Ling đăng ảnh lúc còn bé bên ông ngoại kèm tâm sự: "Hy vọng những ai còn ông bà trên đời này, hãy biết trân trọng và dành nhiều thời gian bên người thân hơn. Đừng để như mình, mất ông mới biết như mất cả tuổi thơ". Tài khoản Y. Nguyen chia sẻ việc công khai là người đồng tính với cha mẹ và hạnh phúc khi đấng sinh thành chấp nhận và ủng hộ. Tài khoản Ngân Lưu kể câu chuyện một bệnh nhân nam trước khi qua đời đã kịp gọi điện thoại nói thương mẹ - điều mà bấy lâu vì ngại ngần, anh đã không thể cất lời. Tài khoản Thư Di chia sẻ về người cha quá cố đã luôn kiên cường làm việc và chiến đấu với bệnh tật kèm lời nhắn nhủ: "Hãy yêu thương cha mẹ thật nhiều khi còn có thể. Chúng ta sẽ không biết được họ đã vì ta mà làm những điều phi thường nào đâu"...
Vô vàn những mẩu chuyện thắp lên năng lượng tốt lành cho người đọc. Mỗi bài đăng có lượng tương tác trung bình vài ngàn lượt yêu thích với những bình luận giàu tình cảm, động viên nhau vượt qua dịch và dành nhiều chăm chút, quan tâm đến gia đình hơn.
Anh Phước Nguyễn, một trong các thành viên sáng lập group "Cháo hành miễn phí", cho biết: "Cháo hành như chén cháo Thị Nở nấu cho Chí Phèo. "Chén cháo" tinh thần làm cho con người trong cuộc sống hiện đại nhiều guồng quay áp lực cảm thấy thư thả, yên bình và muốn trở lại thành một đứa trẻ. Bài viết trong group 100% đều là do thành viên đóng góp và tập trung kể những câu chuyện tốt đẹp về xã hội. Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ đọc nhiều câu chuyện xã hội dễ thương và nhân văn để bồi đắp cho tâm hồn và tình cảm của mình".
Group “Cháo hành miễn phí” với những câu chuyện đầy cảm xúc. (Ảnh chụp từ Facebook)
Tuy xa mà gần
Khi dịch lan rộng khắp thế giới, các gia đình Việt Nam cũng có những khó khăn riêng bởi giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài trong từng quốc gia. Nhiều người Việt ở hải ngoại vì dịch bệnh đành ngậm ngùi gác lại những chuyến về thăm quê hương.
Chị Nguyễn Thị Ngân Hà (Mỹ), người sáng lập dự án Viet Connect kết nối người Việt năm châu, tâm sự: "Mỗi người con đất Việt đều hướng về gia đình, hướng về người thân, bạn bè trong mọi hoàn cảnh. Với sự hỗ trợ của kỹ thuật số, hơn 2 năm qua, mình vẫn luôn giữ liên lạc với gia đình, bạn bè trong nước và nước ngoài để hỏi thăm, khích lệ tinh thần nhau. Định nghĩa gia đình và tinh thần dân tộc lại càng được nhìn nhận một cách cởi mở hơn trong mùa dịch khi mà sự kết nối con người mang tầm quốc tế trong cuộc chiến chung chống đại dịch".
Một hình thức thể hiện tâm tình khác được nhiều bạn trẻ yêu thích là gửi tặng người thân những artwork xinh xắn. Fanpage Lai Thượng Hưng với gần 100.000 người theo dõi đang chia sẻ phi lợi nhuận những tác phẩm kết hợp loại hình tranh và thơ. Trong đó, chủ đề về gia đình có nhiều tác phẩm hay, nét vẽ chân phương và những bài thơ chuyển tải nhiều thông điệp cảm động. Chẳng hạn: "Cha là một chiếc đồng hồ/ "nhanh nhanh kẻo trễ làm, cô cậu à"/là mái nhà, lúc phong ba/ cuốc xe đưa đón, gần xa chẳng màng/là lời nghiêm khắc, khô khan/nhưng mà chứa cả muôn vàn thương yêu".
Lai Thượng Hưng bộc bạch: "Việc viết, làm nội dung và đăng lên mạng xã hội để chia sẻ với mọi người giống như là một liệu pháp tinh thần, thư giãn, khiến tôi vui hơn trong cuộc sống. Nhiều bạn đã xin được sử dụng để in ra gửi tặng mẹ cha, in đặt ở góc học tập, góc làm việc… Thỉnh thoảng, tôi cũng lấy những gì mình viết để đọc lại, kiểu như một cách tự động viên tinh thần. Nên trước hết, nó giúp ích cho chính tôi. Sau đó, nếu những gì tôi làm có ai đó thấy đồng cảm, mang lại cảm hứng tích cực hơn, thì thật là quá vui với tôi...".
Là "fan cứng" của Fanpage Lai Thượng Hưng, anh Linh Châu chia sẻ: "Ngày Gia đình Việt Nam là dịp tôn vinh tổ ấm. Mọi năm, tuy có nhà riêng nhưng tôi vẫn về quây quần nấu ăn với ba mẹ. Năm nay, do dịch bệnh hạn chế tiếp xúc nên tôi mượn vài artwork ý nghĩa gửi qua tin nhắn bày tỏ tình cảm với gia đình, nhất là với ba, vì thường ngày, hai cha con rất kiệm lời. Nhận tin nhắn hồi âm có hình mặt cười và câu cám ơn của ba, tôi vui lắm. Chưa thể sum vầy trực tiếp thì cả nhà hẹn họp mặt trực tuyến".
Các thiết bị thông minh và internet ngày càng phổ biến đã giúp nhiều gia đình có thành viên sống xa nhau nắm bắt được thông tin nên luôn cảm thấy gần gũi, thân thuộc. Ngày Gia đình Việt Nam năm nay trong bối cảnh đặc biệt là cơ hội để mỗi người nhìn lại, thấu hiểu và quý trọng tình cảm huyết thống vô giá mình có.
Bình luận (0)