Thật ra nỗi lo ngày Tết chỉ có từ thói quen, tập tục. Đâu phải cứ Tết là phải trang hoàng mọi thứ mới mẻ từ trong nhà ra ngoài ngõ; đâu phải Tết là phải có ít nhất một bộ đồ mới, một chậu hoa kiểng đẹp hay bia rượu đầy nhà, thức ăn thừa mứa. Cũng đâu phải Tết đi đâu cũng phải rủng rẻng tiền, bao đỏ đầy túi để làm "nghĩa vụ" hay ra mặt ra vẻ... Cứ bình thường, có sao sống vậy, chỉ cần chỉn chu hơn, tươm tất hơn, chủ yếu Tết về mặt tinh thần, đạo nghĩa.
Hãy gạt bỏ quan niệm ngày Tết phải xài lớn cho cả năm khấm khá, may mắn. Cũng vì suy nghĩ vậy mà nhiều người vung tay phung phí tiền của, để rồi chỉ 3 ngày Tết mà tiêu hết thành quả của cả năm. Tiết kiệm thôi! Phải biết vừa và đủ.
Thị trường Tết năm nay khá bình lặng, sức mua bán giảm sút nhưng ít ai biết người nông dân còn bi đát hơn khi giá nông sản "rơi". Một chục dừa khô hiện thương lái thu mua chỉ có giá từ 15.000-20.000 đồng, bằng nửa tô hủ tiếu. Bưởi da xanh cũng chỉ 20.000-30.000 đồng/kg. Nhiều loại cây trái khác cũng vậy. Thay vì táo Tây, nho Mỹ thì dâng lên ông bà cây trái quê nhà, vừa tiết kiệm vừa giúp đồng bào vượt qua khó khăn.
Năm qua kinh tế của gia đình tôi cũng thua sút ít nhiều nhưng không sao cả. Tết vẫn đàng hoàng đủ lễ nhưng sẽ tối giản hết mức có thể. Hạn chế bia rượu, đi chơi xa; trước cúng 3 con gà - vịt thì nay 1 con chia ra làm 3 dĩa cũng xong. "Thần thánh, ông bà có đòi hỏi gì đâu, quý là ở tấm lòng" - mẹ tôi bảo vậy.
Bình luận (0)