Kỳ nghỉ hè là dịp để học sinh vui chơi giải trí, qua đó lấy lại sự hưng phấn trước khi bước vào năm học mới. Các nhà tâm lý, giáo dục học luôn khuyên không nên cho các em học một cách nhồi nhét, không nên học trước chương trình của năm sau.
Mệt mỏi vì học hè
Tại địa bàn TPHCM, ngay khi vừa kết thúc năm học, tuyệt đại đa số các trường (từ tiểu học đến THPT) đều ra thông báo nghỉ hè kèm với lịch ôn tập hè ngay trong tháng 6. Bên ngoài trường học, đủ loại lớp học thêm với nhiều tên gọi như: dạy kèm, học hè, bổ sung kiến thức, ôn thi... được mở ra chẳng khác nào đã bắt đầu vào năm học mới.
Nhiều học sinh phải học ngày 2-3 ca, sáng học các môn chính (toán, văn, hóa, lý...) chiều tối học các môn phụ hoặc năng khiếu (tin học, ngoại ngữ, vẽ...). Thời gian nghỉ hè của học sinh vốn đã ngắn lại thêm phần áp lực, mệt mỏi. Bởi vậy, nhiều em vừa đi học về tới nhà là lăn ra ngủ vùi vì quá mệt mỏi. Chợp mắt được một lát, chúng lại bị cha mẹ dựng dậy để đi học ca tiếp theo.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến, ở quận 10, cho biết: “Chưa hết năm học, tôi đã phải đăng ký cho con đi học thêm ở trường. Vẫn biết con được nghỉ hè thì tốt hơn nhưng bây giờ chương trình học nặng lắm. Không học hè, vào năm học mới cháu sẽ bị đuối”. Chị đưa cho tôi xem thời khóa biểu của con trai vừa học xong lớp 5 Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái thấy mà giật mình: Ngày nào cũng sáng học, chiều học, tối học.
Học sinh rất cần có những sân chơi bổ ích, an toàn trong kỳ nghỉ hè. Ảnh: TẤN THẠNH
Em Đồng Quang Phú, học sinh lớp 7 Trường THCS Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú), cho biết: “Nghỉ hè hay không nghỉ hè đều giống nhau. Em đang học thêm 2 môn toán và văn ở nhà thầy, giờ đăng ký thêm môn Anh văn ở trung tâm ngoại ngữ”...
Tại các trung tâm bồi dưỡng văn hóa trong dịp đầu hè này cũng đông nghẹt phụ huynh đến đăng ký cho con em theo học. Có những phụ huynh bận đi làm, không có thời gian chăm lo cho con nên việc đăng ký cho con học nhiều môn là để trẻ có thầy cô quản lý giúp.
Cần có sân chơi cho học sinh
Hầu hết lớp học hè được mở ra ngay đầu tháng 6 cho tất cả học sinh từ yếu kém, trung bình đến giỏi, thậm chí cả học sinh xuất sắc cũng phải đi học hè. Học sinh đến lớp theo yêu cầu của người lớn nhằm hai mục đích: ôn tập kiến thức trọng tâm của năm học đã qua và học trước một phần kiến thức của năm học mới.
Dĩ nhiên, điều này trái với quy định của Sở GD-ĐT cho phép các trường chỉ được ôn tập hè cho học sinh yếu kém và không được dạy trước chương trình, tránh việc học tập quá nặng nề.
Sân chơi cho trẻ em, một món ăn tinh thần vô cùng cần thiết đối với học sinh bỗng biến mất. Đơn giản vì tất cả các lứa tuổi (từ lớp 1 đến lớp 12) đều tập trung trong các lớp học hè nên các địa phương cũng không chú ý đầu tư sân chơi cho trẻ em.
Mặt khác, không ít khu vui chơi, công viên hiện hữu đã bị biến thành chỗ dịch vụ kinh doanh của người lớn hoặc công viên bị biến thành nơi tụ tập của những tệ nạn xã hội nên học sinh không dám đến vui chơi.
Chị Phương Thảo, nhà ở quận 1, rất gần Công viên Lê Văn Tám, nhưng chị không yên tâm để hai con (lớp 6 và lớp 3) đến công viên vui chơi khi không có sự trông coi của cha mẹ. Chị cho biết trước đây có lần chị cùng con đang ngồi chơi ở ghế đá trong Công viên Lê Văn Tám, chị nhìn thấy mấy chiếc kim tiêm trên thảm cỏ ở sau băng ghế.
Dịp hè là kỳ nghỉ của học sinh, việc học thêm thế nào cho hiệu quả để củng cố kiến thức là mong muốn của học sinh và của cả người lớn. Các em vốn đã bị áp lực bởi chương trình học quá nặng nề trong năm học, rất cần có những sân chơi bổ ích, an toàn để kỳ nghỉ hè đúng nghĩa chứ không phải là học kỳ 3.
Bình luận (0)