Điều này dẫn đến 2 luồng ý kiến trái chiều: một bên đồng ý vì như vậy giúp học sinh không quên kiến thức; bên còn lại cho rằng Tết là thời gian nghỉ ngơi, học sinh tạm xa sách vở để có cái Tết đúng nghĩa.
Người lớn ai cũng từng là học sinh, từng phải làm nhiều bài tập vào ngày Tết, cũng từng buồn vì vừa đón Tết vừa làm bài tập các môn. Vậy sao chúng ta không "cởi trói" cho con em mình? Cũng vì thế, những năm gần đây, tôi không giao bài tập cho học sinh.
Thay cho bài tập về nhà, tôi khuyến khích và hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng sống và vun bồi tình cảm gia đình như: giúp đỡ cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, lau chùi vật dụng trong nhà, trang trí...; chúc Tết ông bà, cha mẹ, thầy cô... những câu sao cho ấm áp, thật lòng, dễ thương; nhận tiền lì xì như thế nào cho phải phép;
ăn uống ngày Tết làm sao cho vệ sinh, an toàn, điều độ để không đau ốm; đi chợ Tết, xem bắn pháo hoa, viếng các đền, chùa tuyệt đối không xả rác, không bẻ hoa, cây xanh, tranh giành lộc, ấn; không chen lấn, xô đẩy, biết nói lời cảm ơn và xin lỗi những lúc cần thiết; đi chơi đâu phải báo cho cha mẹ biết, quá giờ thì gọi điện về báo cho gia đình yên tâm;
đừng mải chơi, qua đêm ở nhà bạn bè, không để bạn bè xấu lôi kéo; tham gia các hoạt động thiện nguyện như chăm sóc người không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, chia sẻ với những người không may gặp khó khăn…
Hãy đặt mình vào vị trí các con để có những định hướng phù hợp. Bản thân người lớn cũng muốn nghỉ ngơi vào dịp Tết, muốn có thời gian được thư giãn, thoát khỏi những áp lực công việc thì con trẻ cũng vậy.
Tạo cho các con một khoảng thời gian thật vui vẻ và hạnh phúc chính là động lực để các con tiếp tục cố gắng và tập trung vào con đường học tập phía trước. Hơn nữa, Tết là khoảng thời gian quý giá để học sinh nghỉ ngơi, sum họp bên gia đình, gắn kết tình thân, vun đắp bài học ý nghĩa từ cuộc sống, mà không sách vở nào sánh được.
Bình luận (0)