Những ngày qua, dư luận ồn ào về vụ ly hôn nghìn tỉ của vợ chồng "vua" cà phê Trung Nguyên cùng câu hỏi: "Tiền nhiều để làm gì?". Câu chuyện của họ làm tôi nhớ đến gia đình mình.
Ước nhiều tiền để cha mẹ đừng cãi nhau
Hơn 10 năm trước, khi tôi còn nhỏ, nếu được hỏi: "Tiền nhiều để làm gì?", tôi sẽ không suy nghĩ mà trả lời ngay: "Tiền nhiều để cha mẹ bớt cực khổ và không cãi nhau".
Tôi sinh ra ở vùng nông thôn hẻo lánh, cái nghèo cứ bám riết gia đình tôi, quanh quẩn trên mái nhà lá dột nát, núp lén trong những giọt mồ hôi của mẹ và những ly rượu của cha.
Cha tôi từng là người chịu thương chịu khó nhưng nhiều lần làm ăn thất bại nên sinh ra rượu chè. Tiền bạc không có, con cái nheo nhóc phải một tay mẹ gánh. Mỗi lần chịu không nổi, mẹ lên tiếng cằn nhằn thì phải hứng chịu những trận đòn roi nghiệt ngã của cha. Cứ năm ba ngày, họ lại cãi nhau rồi làm hòa, cùng nhau cày bừa trả nợ. Những giây phút ấm êm hiếm hoi đó, tuy vẫn túng thiếu, cực khổ nhưng với tôi, đó vẫn là một gia đình. Buổi sáng, mẹ nấu cơm xong, cả nhà quây quần ăn cơm rồi cha mẹ ra đồng, chúng tôi đi học; buổi tối những ngày cha không say thì ngồi xem phim, xem thời sự, cùng nhau đùa giỡn.
Nhà nghèo, chúng tôi vẫn được đi học như bao đứa trẻ khác. Chỉ có điều, chặng đường ấy nhiều gian nan vì mỗi lần cãi nhau, mẹ lại muốn đưa chúng tôi rời khỏi cha, đồng nghĩa với việc chúng tôi phải nghỉ học. Những lúc đó, tôi chỉ ao ước giá như gia đình tôi có nhiều tiền, giá như cha tôi lập nghiệp suôn sẻ để gia đình hạnh phúc hơn, mẹ không phải hứng chịu đòn roi của cha và chúng tôi không phải chứng kiến những trận cãi vã khó nghe của cha mẹ. Quả thật, trong đầu óc non nớt của tôi lúc đó thì chỉ có tiền mới làm cho gia đình chúng tôi hạnh phúc.
Hạnh phúc gia đình là quan trọng nhất. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: NGỌC HÂN
Tan vỡ vì... có tiền
Cuộc sống khổ cực, cha mẹ cãi nhau như cơm bữa nhưng chúng tôi vẫn bên nhau, có đủ cha và mẹ nuôi chúng tôi ăn học đến nơi đến chốn. Tôi bước vào năm 3 đại học cũng là lúc sự nghiệp của cha tôi bắt đầu tiến triển, kinh tế gia đình ổn định và mẹ cũng bớt vất vả hơn. Thế nhưng, những chuỗi ngày hạnh phúc của gia đình tôi chẳng kéo dài được lâu. Cha tôi thay đổi tính nết, rồi ngoại tình, bị mẹ tôi bắt gặp. Sau bao nhiêu giày vò, đay nghiến nhau bằng những lời lẽ thậm tệ, họ dắt nhau ra tòa ly hôn, đặt dấu chấm hết cho khoảng thời gian 22 năm dài cùng nhau đồng cam cộng khổ.
Tôi là người biết cha ngoại tình đầu tiên nhưng như những đứa trẻ khác, tôi không dám nói với mẹ. Khoảng thời gian đó, tôi vừa mặc cảm, day dứt vì giấu mẹ vừa sợ mẹ biết được sự thật thì gia đình sẽ tan vỡ. Những cảm xúc nặng nề đó khiến tôi bị trầm cảm nặng, tự sát thương mình và thậm chí tự sát nhưng không thành. Sắp tốt nghiệp đại học, tôi phải đến bệnh viện tâm thần điều trị. Những đau khổ mà tôi và mẹ đang gánh chịu cũng không làm cha tôi hồi tâm chuyển ý. Ông vẫn quyết tâm từ bỏ gia đình. Cho đến hôm nay, với tôi, tòa án là nơi đau thương nhất, nơi "khai tử" nhiều cuộc hôn nhân và các mối quan hệ trong gia đình. Cũng ở nơi đó, tình cảm giữa các thành viên từng là người thân của nhau trở nên nhỏ bé trước những cân đong đo đếm, những màn giành giật tài sản điên cuồng cùng những lời tố cáo, mạt sát nhau không thương tiếc. Bất chấp những giọt nước mắt bất lực, trái tim tổn thương của những đứa con có mái ấm đã bị xé nát.
Giờ đây, thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ nếu gia đình tôi khó khăn như trước thì có lẽ mẹ sẽ không mất chồng, chúng tôi sẽ không mất cha.
Tôi đã hiểu vì sao nhiều người cho rằng hạnh phúc gia đình là quan trọng nhất mà dù có tiền, thậm chí rất nhiều tiền, vẫn không mua được.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-2
Bình luận (0)