Theo dòng chảy việc làm, hàng triệu người từ các tỉnh, thành đã đến TP HCM lao động, góp phần cho sự phát triển của thành phố.
Thế nhưng, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài, doanh nghiệp (DN) đình trệ hoạt động dẫn đến số lượng lớn người lao động thất nghiệp. Nhiều người đã phải hồi hương bởi không trụ lại nổi, dù chính quyền đã tổ chức nhiều đợt hỗ trợ.
Thiếu nhân lực lao động, DN khó phục hồi sản xuất, càng không thể tăng tốc hoàn thành đơn hàng cho cuối năm. TP HCM và các tỉnh lân cận Bình Dương, Đồng Nai đến nay cơ bản đã kiểm soát được dịch, phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Chính quyền đang kêu gọi người lao động đã về quê trở lại làm việc nhưng xem ra họ vẫn còn lo sợ.
Lâu nay, Sài Gòn - TP HCM nghĩa tình, hào sảng, chẳng bỏ lại ai. Hằng ngày có biết bao chuyến xe 0 đồng chở bệnh nhân nghèo, bánh mì từ thiện, quán cơm 2.000 đồng đến những điểm vá xe, hớt tóc miễn phí...
Rất nhiều hoàn cảnh được giúp đỡ, hỗ trợ vượt qua khó khăn. Thời điểm bùng phát dịch Covid-19 càng thấy rõ đặc điểm nổi trội ấy. Trước giờ áp dụng Chỉ thị 16, nhiều nhóm thiện nguyện ồ ạt chuyển quà, thực phẩm vào các xóm trọ, khu cách ly...
Kế thừa và phát huy văn hóa, truyền thống sống nghĩa tình cũng là cách thu hút người lao động trở lại làm việc.
DN chủ động tăng lương, thưởng, đóng BHXH trong khoảng thời gian tạm nghỉ việc trước đó, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho công nhân (ăn uống, chỗ ở, các phúc lợi khác).
Chính quyền hỗ trợ DN thông qua miễn giảm thuế, phí và có thêm các chính sách ưu đãi khác; tổ chức tiêm vắc-xin cho người lao động; hỗ trợ xây dựng trung tâm y tế, khu xét nghiệm nhanh, cung cấp thuốc kịp thời cho người lao động mắc Covid-19...
Về lâu dài, cần xây dựng chính sách an sinh sao cho người lao động nghèo được giúp đỡ tức thì, nhất là trong dịch bệnh, như lập quỹ hỗ trợ kịp thời các trường hợp cấp thiết với mạng lưới rộng khắp, bao phủ đến từng tổ dân phố, xóm trọ, hộ gia đình, người lao động.
Bình luận (0)