Sỡ dĩ quy định trên gây “tiếng vang” ra khỏi phạm vi một tỉnh vì mang vòng hoa đến viếng đám tang từ lâu đã trở thành một tập quán của người Việt.
Mới nghe qua, không ít bạn đọc cho rằng nó “kỳ kỳ”, “phản cảm” và có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát nhanh của Báo Người Lao Động Online, có 40% bạn đọc cho rằng đây là một quy định hợp lý, cần triển khai rộng rãi để tránh phô trương, lãng phí. Trong khi đó, có 31% bạn đọc cho rằng, đây là một quy định không phù hợp với truyền thống và 29% cho rằng nó không khả thi.
Sỡ dĩ có 31% bạn đọc không đồng ý với quy định này vì câu “nghĩa tử là nghĩa tận” của người Việt.
Bạn Nguyen Song Giang bày tỏ quan điểm: Tiết kiệm vòng hoa trong tang lễ theo tui rất phản cảm. CNVC-LĐ đi viếng có một vòng hoa cườm, 3 cây nhang, một mâm hoa quả chi phí chưa tới 300.000 đồng cho 30-40 người. Đa số đám tang nông thôn không có nhận phúng điếu và mời dùng cơm thân mật cho vui lòng gia chủ. Nếu không có hình thức đó thấy lạt lẽo làm sao. Một chút lòng thành có đáng chi mà tiết kiệm!
Dù đã giải thích như vậy nhưng nhiều bạn đọc vẫn cho rằng, quy định trên có phần “khác người” khi ngay cả các bộ, ngành trung ương cũng sử dụng vòng hoa khi viếng đám tang.
Bạn đọc Nguyễn Văn Ren đặt câu hỏi: Tôi thấy các bộ, ngành trung ương vẫn viếng người mất bằng vòng hoa, nếu không đến viếng được thì cũng có nhiều vị gởi vòng hoa đến chia buồn. Nay tỉnh Bình Dương ra quy định cấm như vậy sẽ làm cho các bộ ngành trung ương nghĩ sao? Ông Hải khẳng định như vậy là quá vội vàng...
Đồng tình, bạn đọc Ba Đía cho rằng việc Bình Dương đưa ra chủ trương như vậy hơi "nổi" và có phần "đơn độc".
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều bạn đọc, quy định trên của UBND tỉnh Bình Dương mới nghe qua cảm thấy “sốc” nhưng ngẫm kỹ lại thì hợp lý. Dù tiết kiệm trong việc không phúng viếng vòng hoa chẳng là bao so với những chủ trương tiết kiệm to tát khác nhưng rất thiết thực. Bỡi lẽ, việc lãng phí, phô trương vòng hoa trong các đám tang, nhất là ở các gia đình CB-CC là có thật.
Bạn đọc Hoàng nhận định: Viếng đám tang bằng một vòng hoa cũng là một cách thể hiện tình cảm, một hình thức văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, tôi thấy những đám tang của thân nhân các quan chức thì vòng hoa không có chỗ chất, vô cùng lãng phí; còn đám tang của dân nghèo, nhiều lắm cũng chỉ một bình hoa trên bàn thờ người quá cố.
Bạn đọc Hung tính toán: Tôi thấy quan chức hàng tỉnh qua đời là mất khoảng 150 vòng hoa x 400.000 đồng/vòng = 60 triệu đồng, rồi ngay sau đó đem để đầy nghĩa trang. Quá ư lãng phí!
Nên nhớ vòng hoa của các cơ quan đi viếng là tiền của tập thể (tiền của công), một ban đọc khác lưu ý.
Không chỉ lãng phí, việc viếng nhiều vòng hoa trong đáng tang còn gây nhiều hệ lụy khác.
Tôi đã thấy người ta mang vòng hoa đám tang (đã sử dụng) bán lại cho các tiệm hoa trên đường Bùi Thị Xuân, Q1 – TPHCM, bạn Đoàn Bích Ngọc và Sáu tào lao cung cấp thêm.
Nếu không đến viếng đám tang bằng vòng hoa thì dùng hình thức nào để thể hiện lòng thành kính đến người đã khuất, sự sẻ chia đối với gia chủ? Vấn đề này cũng được nhiều bạn đọc bàn luận sôi nổi.
Tham gia "diễn đàn", bạn Tuấn Anh kể: Lần đầu tiên tôi được chứng kiến một đám ma mà không có một vòng hoa nào là ở một huyện miền núi của Tuyên Quang. Người mất là một thương binh, đồng đội và dân làng không ai viếng bằng vòng hoa, đa số bà con đến viếng với một cân gạo và khoảng từ 10.000-20.000 đồng thôi, nhưng rất chân tình và lành mạnh.
Cũng như vậy, nhiều bạn đọc cho rằng, nên viếng đám tang bằng tiền sẽ thiết thực hơn. Bạn 5 KIM cho biết không phải đến khi UBND tỉnh Bình Dương có quy định trên mà từ lâu không ít gia đình có tang, trong cáo phó có trân trọng ghi chú: “Xin vui lòng thay tràng hoa phúng viếng bằng tiền mặt để chung sức với gia đình chúng tôi làm từ thiện”.
Không chỉ ủng hộ, bạn đọc Đoàn Bích Ngọc còn đề nghị TPHCM cũng nghiên cứu và cho ra 1 quyết định tương tự như vậy để tất cả CB-CC phải thực hiện.
Nhưng để một quy định đi vào thực tế là cả một quãng dài. Vì vậy, một số bạn đọc cho rằng tỉnh Bình Dương nên chú tâm đến việc triển khai sâu rộng và thực hiện nghiêm túc quy định trên để không xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.
Bình luận (0)