Hai tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh Bình Thuận là Dầu Giây - Phan Thiết (dài 99 km) và Phan Thiết - Vĩnh Hảo (dài 101 km) lần lượt khánh thành, đưa vào hoạt động từ ngày 30-4 và 18-6. Đi kèm với việc thông xe 2 tuyến cao tốc này, chủ đầu tư cũng đặt mục tiêu hoàn thành sửa chữa, hoàn trả các đường công vụ, đường gom dân sinh vào dịp 30-6-2023.
Cắt luôn đường dân sinh
Huyện Bắc Bình là nơi có gần một nửa chiều dài đường cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo đi ngang qua địa bàn. Theo thống kê, toàn huyện có 19 tuyến đường bị hư hỏng nặng do vận chuyển vật liệu, đổ thải cho cao tốc chưa được nhà thầu sửa chữa, hoàn trả.
Trong số các tuyến đường này, tuyến đường Bình Tân - Phan Thiết là đoạn hư hỏng nặng nhất do các nhà thầu phụ vận chuyển vật liệu thi công cao tốc. Tuy nhiên, khi địa phương yêu cầu sớm có phương án sửa chữa thì các nhà thầu lại đẩy trách nhiệm cho nhau.
Ông Trần Ngọc Diệp, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận), cho biết trong số nhiều tuyến đường phục vụ thi công cao tốc thì 2 tuyến Quốc lộ 1 - Tà Mon và tuyến Quốc lộ 1 - bãi rác xã Tân Lập nằm trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã Tân Lập. Từ khi phục vụ chở vật liệu làm cao tốc, 2 tuyến đường xuống cấp nặng, không đủ điều kiện công nhận đường nông thôn mới nếu không sửa chữa kịp thời.
Cũng tại huyện Hàm Thuận Nam, thủ phủ thanh long cả nước, nhiều nông dân bị đảo lộn sản xuất vì thi công cao tốc không đồng bộ. Đầu tháng 6 vừa qua, đường gom dân sinh tại Km21+889 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị chia cắt 2 bên dòng suối, người dân không thể đi lại, phải khiêng xe máy, vác từng khay thanh long lội suối.
Hàng chục hộ dân có vườn thanh long bên trong cầu Suối Khoét (thôn Tà Mon, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) không thể đưa phương tiện cơ giới vào vận chuyển thanh long chín.
Cầu vượt Quốc lộ 28 tại nút giao cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết với Ma Lâm mù mịt bụi
Sẽ trả lại hiện trạng (?)
Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành Ban Quản lý dự án 7 (BQLDA) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), thừa nhận việc các nhà thầu thi công chậm ít nhiều ảnh hưởng đến lộ trình hoàn trả các tuyến đường công vụ, đường gom dân sinh.
"Chúng tôi cam kết sẽ hoàn trả lại các tuyến đường với chất lượng tối thiểu bằng hiện trạng ban đầu mà chúng tôi "mượn" để thi công cao tốc. Trước mắt, ở những đoạn tuyến bức xúc, chúng tôi đôn đốc nhà thầu sửa chữa tạm để bà con có thể đi lại tốt hơn" - ông Phạm Quốc Huy nói.
Ngoài hàng chục tuyến đường công vụ, đường gom dân sinh chưa hoàn thành, hiện còn nhiều trường hợp người dân có nhà bị nứt do thi công cao tốc qua địa bàn Bình Thuận. Các trường hợp này đang được hai chủ đầu tư là BQLDA 7 và BQLDA Thăng Long thẩm định, lên phương án đền bù.
Theo ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, sắp tới sở sẽ tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ GTVT chốt thời gian hoàn thành đường công vụ thi công cao tốc, vì đã chậm so với cột mốc 30-6-2023.
Đối với những hạng mục còn lại như thoát nước, hầm chui… vẫn còn ngập nước, sẽ đề nghị các chủ đầu tư có sự quan tâm để khắc phục. Đối với các đường gom dân sinh, các địa phương tích cực phối hợp chủ đầu tư để khảo sát, bổ sung kịp thời, bảo đảm quyền lợi của người dân.
Bình luận (0)