Tôi nhỏ nhẻ cười: “Thì ngon nhức nách chớ sao!”. Anh bạn vỗ đùi rồi cười hả hê: “Đúng rồi, ngon nhức nách!”. Lúc đó, mấy chị đồng nghiệp lại cười ngượng, yêu cầu tôi giải thích vì không hiểu sao mấy cha nội này khoái dữ. Tôi chỉ lắc đầu: “Dân xóm tôi, làng tôi cứ truyền miệng qua lại– từ địa phương của dân Nam bộ mà, không có trong từ điển tiếng Việt, biết đâu mà lần”.
Trò chơi kéo mo cau mà con nít Nam bộ vẫn còn chơi
Mà đâu chỉ có "ngon nhức nách", để diễn tả cái ngon quá mức chịu đựng, dân xóm tôi còn hay nói "ngon bá chấy" "ngon bà cố", qua miệng mấy đứa con nít trở thành "ngon bá chấy bọ chét". Ngon mà nói kiểu này, mấy bà, mấy dì lớn tuổi rất khó chịu, chau mày nhăn nhó nên dần dà chữ "bọ chét" bị bỏ lại.
Người Nam bộ ăn nói phóng khoáng, dễ hiểu như sự mộc mạc của làng quê
Từ địa phương của dân Nam bộ rất phong phú, dường như được sinh ra từ ruộng đồng, thôn xóm nên từ nào cũng đậm chất quê và phóng khoáng, giàu tính tượng hình, cứ 10 người nghe tôi nói từ địa phương thì 9 người hỏi: Dân Nam bộ đúng không? Quá đúng chứ sao!
Ví dụ, từ "to, lớn" qua miệng dân Nam bộ đâu còn là to hay lớn mà là "bự chà bá" hoặc "bự bành ki", "bự tổ bố", "bự tổ chảng" nghe sao cũng vui tai mà người nghe còn tưởng tượng được cái sự to lớn như thế nào. Để diễn tả sự cởi mở, thoải mái, dân tôi hay xài mấy cụm từ "mát trời ông địa" "quá xá quà xa". Hồi nhỏ, mỗi lần được bà ngoại dẫn theo ăn đám giỗ, mấy đứa con nít hàng xóm hay chọc tôi đi "ăn chực" nhưng tôi rất láu cá, vỗ bình bịch vô bụng nói: “Ai nói là ăn chực, ăn mát trời ông địa luôn vì món nào cũng ngon quá xá quà xa”. Tụi con nít nghe xong bỏ đi. Biết là tụi nó quê và ganh tị, hôm sau tôi đem mấy cái bánh ít bên đám giỗ ra chia, làm hòa, đứa nào ăn xong cũng khoái chí khen: “Ngon bá chấy bọ chét luôn”.
Từ địa phương ăn sâu vào máu quá cũng tạo nên nét đặc trưng cho chính người dùng. Đơn cử như tôi, hơn 35 mùa bánh chưng, làm mẹ của 2 nhóc nhưng vẫn thích xài từ địa phương vì sự mộc mạc, dễ thương của nó.
con nít Nam bộ chơi trò kéo mo cau ở sân nhà
Từ địa phương Nam bộ rất mộc mạc, gần gũi như chữ "cà" rất phong phú nào là "cà rịch cà tang" (diễn tả sự chậm chạp) hay "cà nghinh cà ngang" ( nghênh ngang), "cà kê dê ngỗng" (dài dòng), cà nhõng (rảnh rỗi không việc gì làm) mà có những thứ cà được đặt thành tên vía cho mấy đứa nhỏ khó nuôi, hay bệnh vặt như "Cà Luộc", "Cà Phuộc", "Cà Buộc"…mà xóm tôi có hơn 10 đứa - toàn đi chung một bà thầy cắt lễ hồi nhỏ xíu.
Mấy đứa này giờ đã lên chức ba, mẹ. Hôm rồi, có dịp họp lớp ở quán bạn thân, vừa gặp nó, tôi chạy lại hỏi liền: "Ê, Cà Buộc, mày khỏe không?" mà quên rằng giờ Cà Buộc là ông chủ quán cà phê rất lớn. Nhân viên đứng xung quanh há hốc miệng nhìn tôi cười tủm tỉm.
Bình luận (0)