Nước ta có khoảng 4 triệu người chuyên sống bằng nghề đánh bắt trên biển. Ảnh: Văn Mịnh
Theo thống kê của Hội Nghề cá Việt Nam, hiện nước ta có khoảng 29 triệu người sống ven biển, đời sống phụ thuộc vào biển. Trong đó, khoảng 4 triệu người chuyên sống bằng nghề đánh bắt và khoảng 1 triệu người thường xuyên sống trên các tàu cá. Trong khi đó, phương tiện đánh bắt xa bờ của ngư dân hiện vừa thiếu vừa yếu. Cả nước hiện có khoảng 130.000 tàu, thuyền đánh bắt ngoài biển nhưng chỉ chừng 20.000 chiếc đạt công suất 90 CV trở lên, số còn lại công suất rất nhỏ hoặc chưa lắp máy.
Ngư dân bám biển, giữ biển không chỉ vì sinh kế. Sự hiện diện của họ trên các vùng biển của nước ta đã góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ biển. Tuy nhiên, để bám biển, ngư dân đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do chi phí sản xuất ngày càng tăng; năng suất, sản lượng khai thác hải sản sụt giảm do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt gây ra…
Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy chỉ trong vòng 3 năm 2007, 2008, 2009, cả nước đã có gần 400 vụ tai nạn do ngư dân gặp sự cố trên biển.
Mục đích của việc xây dựng Quỹ Hỗ trợ ngư dân gặp rủi ro trên biển là để giúp những người làm nghề khai thác thủy sản, các con tàu làm công tác dịch vụ hậu cần trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa khi gặp rủi ro, thiệt hại. Điều lệ hoạt động của quỹ đã được Bộ Nội vụ, Bộ NN-PTNT công nhận, chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan. Quỹ là tổ chức phi chính phủ, hoạt động nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận... Văn phòng Quỹ Hỗ trợ ngư dân gặp rủi ro trên biển do Hội Nghề cá Việt Nam trực tiếp quản lý dưới sự điều hành của các bộ, ngành liên quan, hoạt động chính thức từ ngày 5-10 tại số 10 Nguyễn Công Hoan, quận Ba Đình - Hà Nội.
Bình luận (0)