Tại hội thảo, những người bán hàng rong cho biết dù đã có nhiều dự án giúp đỡ họ có cuộc sống ổn định hơn nhưng thực tế, đa số vẫn bị lực lượng chức năng đẩy đuổi. Bà Phùng Thị Hợi (buôn bán trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM) cho biết: “Vì cuộc sống, tôi phải buôn bán ở vỉa hè để nuôi 2 đứa con đang trong tuổi ăn, tuổi học. Thế nhưng, tôi cũng rất khổ sở khi phải thường xuyên “canh me” lực lượng chức năng để không bị tịch thu hàng hóa. Chúng tôi rất cần được chính quyền địa phương hỗ trợ”.
Theo ông Liên Khui Thìn, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hòa nhập và Phát triển cộng đồng, vỉa hè ngoài chức năng giao thông còn là nơi nhiều người chọn để buôn bán. Từ năm 2013, dự án xe bánh mì cộng đồng được thành lập đã trao 150 xe bánh mì cho những người mãn hạn tù và các hộ nghèo, giúp họ có kế sinh nhai. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi nhận phương tiện, buôn bán không được. “TP HCM cần quy hoạch một khu dành riêng cho người bán hàng rong để người thu nhập thấp được lao động và phát triển cuộc sống” - ông Thìn đề nghị.
Đại diện Phòng Kinh tế quận 1 cho biết hiện quận có hơn 500 hộ buôn bán trên vỉa hè. Quận 1 đang quy hoạch thí điểm khu vực kinh doanh ăn uống theo thời gian quy định ở một số tuyến đường nhằm tổ chức, sắp xếp cho người dân sống trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng hình ảnh văn minh thương nghiệp.
Bước đầu, quận 1 sẽ giải quyết cho 50-60 hộ, thời gian bán từ 6 - 8 giờ và từ 11 - 13 giờ, mỗi vị trí bán rộng khoảng 6 m2. Người bán sẽ được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP); nguồn gốc, xuất xứ và yêu cầu về chất lượng nguyên liệu dùng cho chế biến thực phẩm. Sau một tháng thí điểm, quận sẽ sơ kết và nhân rộng trên toàn địa bàn.
Theo Chi cục ATVSTP TP HCM, từ năm 2014, TP đã xây dựng 4 điểm kiểm soát ATVSTP tuyến đường ở các quận 3, 4, Tân Phú và Bình Tân. Sau 2 năm triển khai, một số khó khăn đã phát sinh như: chưa có quy hoạch về thức ăn đường phố, cán bộ kiêm nhiệm nhiều, trình độ nghiệp vụ chưa cao, thiếu kinh phí. Bên cạnh đó, người buôn bán chưa ý thức cao về ATVSTP và hình thành thói quen ghi chép nguồn gốc thực phẩm. Việc xử phạt đối với các trường hợp vi phạm không hiệu quả do nhiều người buôn bán nhỏ lẻ, di chuyển mỗi ngày, họ chấp nhận bị tịch thu chứ không có tiền đóng phạt nên chính quyền địa phương chỉ nhắc nhở.
Bình luận (0)