"Vì sao không quen biết mà anh lại đưa chú Hải về nhà, tìm việc làm còn nuôi ăn ở?". Tôi tò mò hỏi sau khi nghe câu chuyện anh chủ động ngỏ lời đưa ông Đào Kim Hải (62 tuổi), người đàn ông vô gia cư về nhà chăm sóc.
Cưu mang người dưng
Rời khỏi bàn làm việc, anh Trần Thanh Bình (SN 1980, chủ trại hòm Bình Nghĩa Lợi, phường 3, quận 4, TP HCM) chỉ tôi lối đi xuyên qua chỗ đặt những chiếc quan tài còn nguyên mùi gỗ mới, ra phía sau. Mặt sau trại hòm giáp mé kênh Tẻ, xung quanh được che chắn tạm bợ bằng những thanh gỗ vụn và tôn cũ xập xệ. "Đằng trước là chỗ làm, đằng sau là chỗ sinh hoạt, nghỉ ngơi của gia đình. Ngồi đây gió mát lại đỡ ồn ào" - anh vừa nói vừa lúi cúi lấy chiếc ghế nhựa đặt trên nền nhà mời khách.
Kể về ông Hải, anh gọi đó là cái duyên. Một cái duyên lành để anh được làm những việc tử tế và ươm trồng mầm nhân ái, giáo dục hai con nhỏ của mình.
Anh Bình thường xuyên lui tới, chăm nom ông Hải ở phòng trọ mới
Ông Hải không có gia đình, làm bảo vệ cho một cửa hàng tại quận 1 và thuê trọ trên đường Bến Vân Đồn (quận 4, TP HCM). Những ngày dịch Covid-19, cửa hàng ngừng kinh doanh, ông cũng vì thế mà mất việc. Không có tiền, ông Hải trả phòng trọ rồi lang thang khắp nơi, sống lay lắt ở các nhà chờ xe buýt, đợi những bữa cơm từ thiện của người qua đường.
Tình cờ biết được ông Hải từng ở địa phương, anh Bình bàn với vợ đưa ông về, sắp xếp chỗ ăn ở, trả lương để ông phụ giúp công việc tại trại hòm.
"Nằm mơ tôi cũng không ngờ sẽ được nhiều người giúp đến vậy. Nhưng ngoài tiền, vợ chồng chú Bình còn cho tôi kế sinh nhai. Người dưng nhưng tốt với tôi như ruột rà" - ông Hải xúc động nói.
Hiện nay, do bệnh phổi trở nặng, để thuận tiện cho việc điều trị, vợ chồng anh Bình tìm phòng trọ cho ông Hải rồi thường xuyên lui tới thăm nom. Khi mua giúp ông bữa cơm chiều, cũng có khi chỉ để nhắc ông uống thuốc đều đặn.
Mở lòng với mọi người
Ở xóm lao động này, hễ ai khó khăn tìm đến, vợ chồng anh Bình đều hết lòng hỗ trợ. Khi thì anh cho hàng xóm vay 500.000 đồng trang trải cuộc sống, cũng có khi đẩy chiếc xe máy hết xăng mấy cây số giúp hai mẹ con người phụ nữ nhà ở xa lỡ đường hay mời ông cụ cơ nhỡ một bữa ăn... Có bà cụ neo đơn sống lang thang ở phường 6 (quận 4), vợ chồng anh Bình thường xuyên đem gạo, mì gói, thực phẩm đến cho. Bà cụ mất, anh không ngần ngại đem tặng chiếc áo quan. Khi tôi nhắc đến những câu chuyện trên, anh cười hiền: "Chuyện tôi làm, nhỏ thôi". Với anh, mọi chuyện trên đời đều có nhân quả. Niềm tin đó giúp anh mở lòng với mọi người một cách tự nhiên, không tính toán.
"Có hôm, hai vợ chồng đang ngồi uống cà phê, một người phụ nữ nhìn vẻ lam lũ đến chào hỏi rồi ngỏ lời xin vài trăm ngàn để trang trải tiền nuôi cha ở bệnh viện. Lúc này trong túi còn được hơn 200.000 đồng, tôi đưa luôn mà quên để lại mấy chục ngàn trả tiền nước. Bà chủ chứng kiến, cười khì khì rồi miễn phí luôn cho hai vợ chồng. Vậy đó, giúp người thì sẽ có người giúp mình" - anh lại cười.
Theo lời anh Bình, vợ chồng anh mới ổn định công việc ở trại hòm được 8 năm nay. Đây là nghề từ đời ông nội đến đời cha anh và bây giờ là anh. Làm nghề mai táng, không dư dả gì nhiều nhưng hễ ai nghèo, ai khổ, chạy xe lôi, xích lô, hay người thất nghiệp, gia đình anh đều sẵn sàng tạo công ăn việc làm. "Trong mỗi con người đều có ác, có thiện, chỉ cần họ quay đầu, chịu làm lụng, chúng tôi cưu mang hết" - anh Bình nói.
Bình luận (0)