Liên quan việc Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (gọi tắt là Tập đoàn Quang Trung) tuyên bố ngưng vận hành "siêu" máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP HCM) vì đơn giá thuê dịch vụ vẫn chưa được ban hành, một lãnh đạo UBND TP HCM cho hay đã giao Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm Chống ngập) làm việc với Tập đoàn Quang Trung xung quanh vấn đề đơn giá thuê.
Phải tính toán chặt chẽ
"Việc thuê máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh là một giải pháp mới, chưa có tiền lệ trong chỉ định thuê dịch vụ. Hơn nữa, thanh toán bằng ngân sách nên phải tính toán chặt chẽ" - vị lãnh đạo nêu trên nói.
Cũng liên quan đến vấn đề chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, trả lời báo chí mới đây, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết TP đang lên phương án sửa chữa đường này với tổng mức đầu tư là 473 tỉ đồng. Hiện nay, chủ đầu tư (Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1) đang thực hiện khảo sát thiết kế công trình. Dự kiến, công trình sẽ khởi công vào quý IV/2018 và hoàn thành sau 14 tháng thi công. Mục tiêu đầu tư dự án là nâng cấp, sửa chữa, khắc phục những hư hỏng toàn tuyến đường nhằm bảo đảm an toàn giao thông, lưu thông thuận lợi, bảo đảm thoát nước và mỹ quan đô thị. Sau khi thi công hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ khắc phục tình hình ngập nước tại tuyến đường.
Hiện công việc chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh được giao cho Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP Ảnh: SỸ ĐÔNG
Phân tích sự việc trên, Phó Chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TP HCM Hà Ngọc Trường nhận định mức giá mà phía Tập đoàn Quang Trung đưa ra (24,4 tỉ đồng/năm) là quá cao. Cụ thể, TP chỉ có 6 tháng mùa mưa, tính ra là hơn 400 triệu đồng mỗi tháng, 6 tháng còn lại bỏ không dễ bị hư hỏng, dẫn đến lãng phí.
Ông Trường cho biết từ năm 2005, ông đã khảo sát, tìm tòi nguồn tài liệu từ các đơn vị liên quan và đi đến nhận định đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún theo từng năm. Đến nay thì mặt đường đã ổn định nên giải pháp bền vững vẫn là cải tạo hệ thống thoát nước, nâng đường là có thể giải quyết tình trạng ngập úng.
"Nhân sự việc chủ đầu tư tạm dừng bơm chống ngập, TP nên thể hiện quan điểm rõ ràng về chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, có thể không thuê nữa" - ông Trường nêu.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường (thuộc Ủy ban MTTQ TP), để giải quyết những vướng mắc thì 2 bên phải ngồi lại với nhau, xác định vướng mắc chỗ nào, trách nhiệm do ai và cùng tháo gỡ.
"Cứ đổ trách nhiệm qua lại sẽ không giải quyết được vấn đề. Khi đó, nếu trời mưa và đường ngập là có tội với người dân TP. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp (DN) khác sẽ nhìn vào đó, thấy rằng làm ăn với TP tiềm ẩn nhiều rủi ro rồi xin rút khỏi các dự án định đầu tư" - ông Ninh lưu ý.
Cần giải pháp căn cơ
Trong khi đó, nhiều ý kiến bạn đọc gửi đến Báo Người Lao Động cho rằng điều người dân quan tâm nhất chính là làm sao để hết ngập và chi phí bỏ ra phải hợp lý (vì từ tiền thuế của dân). Còn chuyện thuê máy bơm chỉ là giải pháp tạm thời bởi trong TP còn rất nhiều đường ngập, vậy một năm TP phải mất bao nhiêu tiền cho việc thuê máy bơm?
"Trước hết, cơ quan chức năng phải đánh giá thời gian qua, máy bơm vận hành thực sự có hiệu quả không? Có hết ngập khi mưa lớn không? Đừng đổ thừa cho nguyên nhân nào khác mà hãy tập trung vào vấn đề này. Nếu thật sự hiệu quả thì mới tính đến chuyện thương thảo giá cả, còn chỉ đạt bao nhiêu phần trăm hoặc vì mưa quá lớn thì nên chấm dứt thuê máy bơm và nghiên cứu giải pháp căn cơ khác. Tiền thuê cũng là tiền thuế của dân, chống ngập cũng vì lợi ích của dân. Vì vậy, làm sao để sử dụng đồng tiền ấy có hiệu quả" - bạn đọc Đại Nam ý kiến.
Bạn đọc Phu Nguyen thì lập luận đường Nguyễn Hữu Cảnh buộc phải làm lại, sao không triển khai sớm mà phải thuê máy bơm? "Những chủ đầu tư địa ốc dọc con đường này phải đóng tiền làm lại con đường cho người dân chứ. TP phải yêu cầu các chủ đầu tư đóng góp 100% tiền để làm con đường này" - bạn đọc Phu Nguyen đề nghị.
Cùng quan điểm, bạn đọc Alash cho rằng: "Thuê máy bơm với giá 24,4 tỉ đồng/năm như Tập đoàn Quang Trung đưa ra là quá đắt vì máy chỉ vận hành tối đa 6 tháng và không phải chạy 24/24 giờ. UBND TP nên nghiên cứu lại hệ thống cống bị gãy sụp hay sự cố nào hoặc cũng có thể xây dựng lại hệ thống cống mới (phải truy trách nhiệm đơn vị thi công trước đây) chứ không thể thuê máy bơm mãi".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến "nghi ngờ" việc "chưa tính toán thống nhất nhưng cứ nhập máy và lắp máy chạy, rồi giờ thì thích cũng tự ngưng. Ai lãnh hậu quả này ngoài người dân? Hay lại đưa mọi chuyện vào thế đã rồi, phải giải quyết một đống sắt khổng lồ như ve chai?".
Bên cạnh đó, có ý kiến lưu ý tiền TP phải thanh toán toàn bộ chi phí ban đầu của DN đã bỏ ra để giúp giảm ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, nếu không thì sau này việc khó sẽ không được DN góp sức, góp của giúp nhà nước nữa.
Không vi phạm hợp đồng
Theo luật sư Lê Trọng Thêm (Hãng luật LTT&Lawyers), việc Tập đoàn Quang Trung thông báo tạm dừng vận hành máy bơm không vi phạm hợp đồng. Cụ thể, điều 11.1 quy định sau 45 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, phía Trung tâm Chống ngập trình giá nhưng cấp có thẩm quyền chưa phê duyệt thì Tập đoàn Quang Trung có quyền đơn phương tạm dừng việc chống ngập cho đến khi cấp có thẩm quyền phê duyệt giá. Mọi hậu quả phát sinh do ngập úng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Tập đoàn Quang Trung không chịu trách nhiệm.
"Cần xác định rõ đây là đơn phương tạm dừng bơm chống ngập chứ không phải đơn phương chấm dứt hợp đồng" - luật sư Thêm nói.
Luật sư Thêm cũng cho rằng sự chênh lệch trong mức giá mà Tập đoàn Quang Trung và Trung tâm Chống ngập TP đưa ra khá cao. Tuy nhiên, đây là hợp đồng kinh tế nên 2 bên có thể thương lượng để đưa ra đơn giá thuê dịch vụ phù hợp.
Bình luận (0)