xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người đi bộ bị đẩy xuống đường

Anh Vũ - Minh Diễm - Ái My - Thùy An

Vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng điều này không đúng tại nhiều nơi, trong đó có những điểm bên cạnh bệnh viện, khiến mối nguy về tai nạn, cướp giật… luôn hiện hữu

Cuối tuần qua, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến một số tuyến đường ở TP HCM nơi có bệnh viện và ghi nhận tình trạng sử dụng vỉa hè bừa bộn.

Như những "lô cốt"

Trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5), một bãi giữ xe máy dài hàng trăm mét trên đường Nguyễn Chí Thanh chiếm phần lớn vỉa hè. Tại nơi có giá giữ xe 6.000 đồng/lượt này, dù treo bảng "Lối đi riêng cho người đi bộ" nhưng thực tế, người dân rất khó sử dụng.

Người đi bộ bị đẩy xuống đường - Ảnh 1.

Vỉa hè cạnh Bệnh viện Chợ Rẫy với lối đi không nhiều người dám dùng Ảnh: ÁI MY

Cũng ở quận 5, bãi giữ xe trên đường Đặng Thái Thân cạnh Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM gây ngao ngán. Vỉa hè rộng khoảng 5 m nhưng phần lớn bị chiếm dụng, nhân viên giữ xe nói đây là bãi giữ xe của bệnh viện, không phải tự phát. "Gần đây, bãi này vắng hơn do các hộ dân xung quanh giật mối" - người này nói.

Cách đó không xa, tình trạng tương tự cũng diễn ra cạnh Bệnh viện Hùng Vương. Theo đó, tuy chừa lại lối đi rộng 0,5 - 1 m phía ngoài cùng cho người đi bộ nhưng lối này nhiều lúc không đi được - lúc đụng phải gốc cây, lúc vướng đồ đạc của người bán hàng rong.

Vỉa hè đường Trần Hưng Đạo phía trước cổng Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM cũng dùng làm nơi giữ xe máy. Khu vực này được dựng lên bằng những tấm tôn, hàng rào chắn bằng sắt. Mặc dù đã dành riêng một khoảng trống cho người đi bộ song việc dựng các hàng rào sắt để làm bãi giữ xe đã gây cản trở việc đi lại .

Chung tình cảnh là Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (hẻm 781 Lê Hồng Phong, quận 10). Ở đây dù không bố trí rào chắn nhưng vỉa hè cũng bị trưng dụng làm bãi giữ xe và người đi bộ đành bước xuống lòng đường. Tại Bệnh viện Mắt TP HCM (đường Tú Xương, quận 3), một đoạn vỉa hè phía sau được bao kín bằng hàng rào. Bên trong là nơi giữ xe máy của bệnh nhân và người nhà.

Người đi bộ bị đẩy xuống đường - Ảnh 3.

Bãi giữ xe cạnh Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh đẩy người đi bộ xuống đường Ảnh: MINH DIỄM

Từng quyết liệt, nhưng…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc vỉa hè gần các bệnh viện biến thành nơi giữ xe, đẩy cả khách bộ hành lẫn người điều khiển phương tiện vào thế nan giải là câu chuyện bức bối lâu nay, cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc. Trong đó, tháng 5-2022, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM ra văn bản đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức tháo dỡ ngay những hàng rào bố trí trên vỉa hè gây cản trở người đi bộ, người khuyết tật lưu thông; hoàn trả vỉa hè theo nguyên trạng.

Một loạt điểm trông giữ xe chiếm dụng vỉa hè được nhắc trong văn bản trên gồm: điểm cạnh Bệnh viện Mắt TP HCM, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh...

Người đi bộ bị đẩy xuống đường - Ảnh 4.

Bãi giữ xe bên hông Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM Ảnh: ÁI MY

Sở GTVT cũng đề nghị Công an TP HCM và UBND các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11 chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức tháo dỡ ngay các hàng rào bố trí trên vỉa hè gây cản trở người đi bộ, người khuyết tật lưu thông. Việc cấp phép cho cá nhân, đơn vị trông giữ xe trên vỉa hè chỉ được thực hiện trên các tuyến đường thuộc danh mục được UBND TP HCM ban hành.

Nhiều tháng sau, Sở GTVT lại có văn bản đề nghị Sở Y tế TP HCM vào cuộc giải quyết vấn đề gửi xe tại các bệnh viện trên địa bàn. Các bệnh viện đang sử dụng vỉa hè làm bãi giữ xe 2 bánh phải khẩn trương hoàn trả phần vỉa hè để phục vụ lưu thông bộ hành. Về lâu dài, các bệnh viện cần tính toán phần diện tích đỗ xe bên trong cơ sở ngay trong quá trình lập dự án và tổ chức thi công.

Đến nay, chỉ một số bệnh viện trả lại vỉa hè, trong đó có Bệnh viện An Bình (quận 5). Bệnh viện này đã xây dựng bãi xe khang trang, được đưa vào sử dụng từ tháng 5-2023. Phóng viên đến Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện cũng ghi nhận vỉa hè thông thoáng.

Cần lời giải vẹn toàn

Một số người dân cho biết việc "mất vỉa hè" gây nguy hiểm cho người đi bộ và tạo cơ hội cho những đối tượng cướp giật.

Nhiều lần bất đắc dĩ đi dưới lòng đường, Nguyễn Thị Như Quỳnh (sinh viên, ngụ quận 6) cho biết đã mấy phen suýt bị xe tông. "Đi dưới lòng đường rất nguy hiểm, có thể bị va chạm dẫn đến tai nạn giao thông. Nếu ai mang theo túi xách, ba-lô... thì có thể bị cướp giật" - Quỳnh lo ngại.

Chị Lê Tuyết Nhi (ngụ quận 5) sống ở gần Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi lần đi bộ ngang qua khu gửi xe, chị đều phải bước xuống lòng đường. "Có nhiều thời điểm xe cộ đông đúc, đi dưới lòng đường như vậy, tôi cảm thấy lo lắng, sợ bị các phương tiện đang lưu thông tông phải" - chị Nhi bất an.

Về phương án cho thuê vỉa hè cạnh các bệnh viện, theo luật sư Trần Thị Thanh Thảo, TP HCM cần tính toán kỹ vì không phải chỗ nào cũng cho thuê được. Gốc rễ của vấn đề là ưu tiên đánh giá tác động khả năng lưu thông từng tuyến đường, khu vực.

Theo luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, Luật Giao thông đường bộ quy định lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. 

Về chế tài, điều 12 Nghị định 100/2019 quy định xử phạt từ 2 đến 12 triệu đồng đối với hành vi chiếm dụng lòng đường hoặc vỉa hè làm nơi trông giữ xe.

Luật sư Thảo nhận xét nhiều năm nay, ở TP HCM, nhiều đoạn vỉa hè bên cạnh các bệnh viện bị rào chắn làm nơi giữ xe máy, buộc người dân đi xuống lòng đường nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Do vậy, việc này khắc phục sớm chừng nào thì người dân yên tâm sớm chừng nấy.

"Hiện tại chưa giải quyết được nơi để xe cho người bệnh và thân nhân mà cấm giữ xe ở vỉa hè cạnh bệnh viện thì cũng nan giải. Cần đưa ra giải pháp quy hoạch, tổ chức các bãi giữ xe một cách vẹn toàn nhất" - luật sư Thảo nêu ý kiến. 

Cần quyết liệt hơn

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM, cho rằng trước tiên cần trả lời câu hỏi vì sao đến nay, vỉa hè chưa được hoàn trả. Trả lời được câu hỏi này cũng là xác định nguyên nhân sâu xa từ đâu để đưa ra giải pháp.

12-Box-Benh-vien-115

Sau văn bản của Sở GTVT TP HCM, Bệnh viện Nhân dân 115 là một trong số ít nơi có vỉa hè thông thoáng Ảnh: THÙY AN

"Nguyên nhân cần nói đến là do cấp cơ sở quản lý vỉa hè đó chưa có được biện pháp cụ thể. Đồng thời, chúng ta chưa có những cơ chế rõ ràng để xử lý. Nếu không có được sự chặt chẽ về quy định thì khó mà dẹp được tình trạng này" - TS Nguyễn Hữu Nguyên nhận định. Theo ông, Sở GTVT TP HCM nên rà soát những nơi nào đến nay chưa chịu trả mặt bằng để có biện pháp quyết liệt hơn.

Liên quan việc tồn tại của nhiều bãi giữ xe sau nhiều lần thông báo cũng như kế hoạch thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè, chúng tôi đang liên hệ Sở GTVT TP HCM để có câu trả lời.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo