Người Hoa tập trung sinh sống đông đúc trong Chợ Lớn (quận 5, 6, 11 - TPHCM) và bảo lưu phong tục tập quán cổ truyền. Ngày Tết, người Hoa thuộc nhóm ngôn ngữ Quảng Ðông kiêng kỵ ăn thịt vịt, thịt ngỗng vì sợ bị xui, làm ăn chậm chạp. Trái lại, người Hoa thuộc nhóm ngôn ngữ Triều Châu thích ăn thịt vịt ram khô nguội. Họ dùng nước luộc vịt nấu món xôi lẫn đậu phộng để ngon, béo. Trong mấy ngày Tết, người Hoa Triều Châu còn ăn món thịt vịt hun khói xác mía truyền thống.
Người Hoa thuộc nhóm ngôn ngữ Triều Châu (khởi nghiệp từ nghề làm rẫy) thích ăn món gà dồn ngũ đậu, tỏ ước mong sẽ thu hoạch nhiều của cải trong năm mới. Họ cũng thường ăn vịt lạp, thịt lạp, lạp xưởng, gan heo khô, mề vịt khô hấp ngon đúng mức.
Lễ, hội tưng bừng
Trong mấy ngày Tết, nhiều chủ doanh nghiệp người Hoa thường mời các đội lân - sư - rồng múa trước nhà để lấy hên, đồng thời phục vụ công chúng mộ điệu. Trước nhà gia chủ, nhiều con lân sung sức múa mở màn điệu đại triển hồng đồ. Con lân trưởng bổ đôi trái dưa hấu đỏ tươi mọng nước, kính cẩn dâng lên gia chủ, cầu chúc gia chủ được hồng phúc phát triển cơ đồ lớn mạnh. Mấy con lân sung độ chuyển sang múa điệu tứ quý hưng long, chúc gia chủ bốn mùa làm ăn phát đạt. Ðàn lân chuyển mình múa tung tăng điệu bộ bộ cao tăng, chúc gia chủ ngày càng phát triển. Lân trở bộ múa điệu thất tinh bổn nguyệt, chúc gia chủ kiết tường, thiên tài - địa bửu. Sau đó, nhiều con lân hùng dũng múa điệu ngũ phúc lâm môn, chúc nhân gian phúc - lộc - thọ, được khí trời trong lành; cùng thăng quan tiến chức, phát tài to trong năm mới.
Kế tiếp là múa sư tử tưng bừng, ngoạn mục rồi chuyển sang múa rồng uyển chuyển, thướt tha. Cuối cùng, các võ sinh biểu diễn võ thuật, trình diễn song đấu, "hỗn chiến" bằng bát ban binh khí, trình diễn công phu thâm hậu. Gia chủ người Hoa tổ chức múa lân - sư - rồng trong ngày Tết hoan hỉ. Công chúng mộ điệu xem múa lân - sư - rồng cũng hào hứng hết mực.
Sau mấy ngày Tết chính, nhiều người Hoa khai trương cơ sở kinh doanh trong ngày lành tháng tốt. Tối mùng 8, họ bày nhiều lễ vật lộ thiên vía Trời. Bước sang mùng 10 thì bày lễ vật bánh tổ, bánh trái lựu, đường tán cúng ông Ðịa, Thần Tài thờ sát mặt đất, chỗ thoáng đãng để đón tài lộc vào nhà. Gia chủ khấn vái rất thành tâm...
Vừa Tết xong, người Hoa thường rề rà vừa làm vừa chơi. Người ta thăm viếng, chúc tụng lẫn nhau. Các chủ doanh nghiệp lớn tuổi đi lễ lăng Ông khấn vái trước linh vị Tả quân Lê Văn Duyệt hộ ngã quần kiều (ban hành chính sách bảo hộ ngoại kiều sinh sống, làm ăn trên đất Gia Ðịnh xưa).
Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng) rất trọng đại đối với người Hoa. Người ta nô nức đi lễ chùa cầu phúc. Các chùa Ông Bổn, Hà Chương, Ôn Lăng, Thiên Hậu, Minh Hương, Hải Nam, Quan Thánh Ðế miếu… ngựa xe như nước, áo quần như nêm, lung linh ánh đèn, nhang, khói hương nghi ngút đậm đặc. Chưng cộ (đám rước) được diễu hành qua các đường phố ở quận 5. Các thiếu nữ người Hoa xinh đẹp gánh hoa nhịp nhàng theo đoàn còn những đội lễ nhạc cổ truyền Triều Quần, Bông Sen, Sư Trúc Hiên đua nhau đánh trống, khua chiêng tùng... tùng… xà vang dội đường phố; hòa tấu kèn Tàu, đàn tam thập lục, sáo trúc, chập chõa rộn ràng.
Hội quán Nghĩa An của người Hoa thuộc nhóm ngôn ngữ Triều Châu khai hội Nguyên tiêu long trọng. Ban quản trị hội quán tổ chức diễn tuồng Tàu suốt nửa tháng. Chùa Thiên Hậu Hải Nam cũng tổ chức trình diễn tuồng Tàu trong mấy ngày liền. Ðặc biệt, Trung tâm Văn hóa quận 5 mở hội Nguyên tiêu thường niên, quy tụ những đội ca kịch cổ truyền Trung Hoa. Người ta nô nức đến xem, không khí vui tươi, sôi nổi suốt ngày đêm.
Qua Tết Nguyên tiêu, người Hoa chấm dứt một mùa Tết, trở lại cuộc sống thường nhật. Ai nấy lại tiếp tục lao vào cuộc mưu sinh đa dạng, hứa hẹn Tết năm sau sẽ lại hào hứng ăn chơi...
Bình luận (0)