Xóm vé số xứ “nẫu”
Cố gắng gồng sức, nương tựa, hỗ trợ nhau lúc ngặt nghèo, xóm vé số xứ “nẫu” ở TP HCM là nơi nương tựa vững chãi của nhiều người dân tỉnh Phú Yên sa cơ lỡ vận
Tôi đến hẻm 24 Nguyễn Văn Cừ (quận 1, TP HCM) vào ngày chủ nhật cuối tháng 10. Nơi đây có đến 6 căn nhà của 6 đại lý vé số người Phú Yên, ước tính gần 100 nhân khẩu sinh sống, phần lớn là người già, phụ nữ và người tàn tật.
Người đi trước rước người đi sau
Trò chuyện với tôi trong căn nhà khá lụp xụp, ông Lương Vĩnh An (66 tuổi, quê Phú Yên, chủ đại lý vé số) vừa ngồi xếp những tờ vé số thành cọc ngay ngắn vừa cho biết căn nhà này đang cưu mang hơn 30 người đồng hương. Nghe tôi gọi là ông chủ, ông An liền xua tay: “Không có ông chủ, đầy tớ nào hết. Chỉ là người đi trước rước người đi sau đang gặp vận hạn vào đây kiếm sống”.
Ông An vào TP HCM từ những năm 1990 với công việc chạy xe ôm, thợ hồ, vất vả nhưng vẫn không đủ sống nên nghĩ cách chuyển nghề khác. Tình cờ tìm được một chỗ trọ khá rộng, ông gọi bạn bè cùng quê vào ở và chọn nghề vé số để mưu sinh. Do người ngày càng đông, ông thuê một căn nhà cũ kỹ nhưng rộng hơn (diện tích 25 m2, 1 trệt, 1 lầu) và ở đến bây giờ.
Thấy ông An lanh lẹ, mọi người trong nhà cử làm chủ đại lý, hằng ngày đến các công ty xổ số lấy vé về chia lại, sau đó mỗi người trích 100 đồng lợi nhuận/tờ vé số để ông lo chi phí nhà trọ, cơm nước cho những người cùng đại lý. Với vai trò “quản gia”, ông luôn phải suy nghĩ, cân đối chi tiêu để không thiếu trước, hụt sau và cũng là người ngủ muộn nhất nhà.
Chỉ tay vào sạp bếp chứa hơn chục bao gạo, ông An cho biết: “Tháng nào trong nhà cũng có người bị lừa gạt, tráo vé số, mất tiền, thâm hụt vốn liếng. Có người dành dụm hơn 3 triệu đồng nhưng sau đó bị kẻ gian cuỗm mất. Nhờ gạo từ thiện của chùa và các nhà hảo tâm nên chúng tôi bớt cơ cực phần nào”.
Ông An vừa dứt lời, tôi nghe tiếng khóc sụt sùi ở ngoài cửa. Một ông lão mù lọ mọ chống gậy đi vào. Ông An đứng dậy, chạy ra đỡ ông lão vào góc nhà nghỉ mệt. Có người an ủi, ông lão (sau này tôi biết tên là Nguyễn Phải, 77 tuổi - PV) bật khóc nức nở như đứa trẻ, ấm ức kể vừa bị giật mất vé số. Nghe tiếng khóc, từ dưới bếp, bà Lê Thị Hương (82 tuổi, bị cụt một chân) vội lếch đến lấy khăn lau nước mắt, động viên rồi cố tìm cách chọc, nựng má để ông Phải quên đi nỗi sầu.
Ngay tối hôm đó, bà Hương, ông An và nhiều người trong xóm trọ đi gom vé số cho ông Phải, mỗi người rút 1 tờ trị giá 10.000 đồng, sau 30 phút có được 50 tờ vé số để ngày mai ông Phải bán mà không cần đưa lại vốn.
Hơi ấm tình quê
Lần khác, tôi ghé vào hẻm 214 Nguyễn Trãi (quận 1). Khi bước lên cầu thang tầng 2 một căn nhà trọ, tôi nghe 2 người phụ nữ đang trò chuyện: “Hôm nay, bà bán được bao nhiêu tờ vé số? Tháng vừa rồi có gom đủ tiền đóng cho thằng Tèo không?”. Ở một góc khác của căn nhà, một người đàn ông hỏi một bà cụ: “Lưng bà nay bớt đau chưa? Chút nữa tui lấy xe đạp chở bà qua bệnh viện khám, thiếu tiền thì mượn tui, mượn ông chủ đại lý”.
Bà Lê Thị Thu Tiến (48 tuổi, thâm niên bán vé số 4 năm) cho biết ở quê có mảnh ruộng, ráng làm cũng đủ sống. Tuy nhiên, từ ngày 2 đứa con vào đại học, hết mùa lúa, bà phải chạy vào TP HCM kiếm thêm tiền để lo cho các con. “Mỗi tháng, tôi để dành được 4 triệu đồng gửi cho con ăn học. Có lần bị mất vé số, tôi nghĩ quẩn đến mức muốn tự tử nhưng nhờ mấy anh chị ở đây động viên, giúp đỡ nên đã vượt qua. Cuộc sống tha phương, sự an ủi, hỗ trợ kịp thời của đồng hương đã giúp tôi ấm áp, vững chãi hơn, nhất là trong những lúc ngặt nghèo. Trong căn nhà này, rất nhiều người có con được nuôi nấng và thành công trên con đường học tập nhờ những tấm vé số” - bà Tiến nói.
Điều tôi cảm nhận được ở những xóm vé số này là không có sự đố kỵ, ganh ghét. Người trẻ nâng đỡ người già; người già sẻ chia kinh nghiệm sống, đối nhân xử thế cho người trẻ. Họ nương tựa vào nhau, nhường nhau từng cm sàn nhà để nằm ngủ; chăm sóc, an ủi nhau khi có người rơi nước mắt nhớ nhà hoặc ốm đau… Không có quan hệ ruột rà, máu mủ nhưng mỗi người họ là điểm tựa vững chãi của nhau trên bước đường mưu sinh nơi đất khách quê người.
Đói cho sạch, rách cho thơm
Ông Ngô Văn Tiến (55 tuổi, một chủ đại lý vé số ở hẻm 214 Nguyễn Trãi) kể từng nhận 3 thanh niên lạ mặt cùng quê Phú Yên vào sinh sống nhưng khi phát hiện họ thay vì buôn bán đàng hoàng lại giả tàn tật để vừa bán vé số vừa ăn xin, ông đã đuổi thẳng. Hay như mới đây, một người đàn ông khoảng 50 tuổi vào sống chung, giả bộ mất vé số để lấy lòng thương hại người đi đường, ông Tiến và những người trong nhà đã không đồng ý cho sống cùng.
“Đói cho sạch, rách cho thơm. Chuyện lừa đảo bằng nghề vé số thất đức lắm. Lỡ nhà hảo tâm đến cho gạo phát hiện đại lý chúng tôi có người như vậy thì mang tiếng, nhục dân quê lắm. Chẳng thà ai không có tiền, chúng tôi góp người 3.000 đồng, người 5.000 đồng giúp mưu sinh” - ông Tiến giãi bày.
Bình luận (0)