Thông tư 48 quy định, người nuôi chó phải thường xuyên xích chó, không được thả rông. Khi cho chó ra khỏi nhà phải có người dắt, mõm chó phải được xích lại.
Chích ngừa cho chó tại trạm phòng chống dịch và kiểm dịch động vật (thuộc Chi cục Thú y TPHCM). Ảnh: H.THÚY
Tốt nhưng vẫn bất cập
Chính quyền địa phương cho rằng việc thực hiện đăng ký nuôi chó là rất tốt, sẽ dễ dàng quản lý hơn là thả nổi như lâu nay. Việc đăng ký này sẽ hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường cũng như bệnh dại từ việc nuôi chó.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Chủ tịch UBND phường 2, quận 3 - TPHCM, cho biết: Việc đăng ký để quản lý chó, mèo là cần thiết. Lâu nay, chính quyền địa phương cũng thường xuyên kết hợp với ngành thú y TP để bắt chó thả rông. Ngoài ra, ngành thú y cũng xuống tận các hộ có nuôi chó để lập danh sách tiêm phòng bệnh dại. Thông tư trên giao việc đăng ký, quản lý chó cho UBND phường thì cũng không có gì khó khăn. Nhưng việc kiểm tra, bắt chó thả rông, chính quyền địa phương không thể kham nổi vì không có cán bộ chuyên môn. Chưa kể nơi nhốt chó sau khi bị bắt, chăm sóc, tiêm phòng chó, ngân sách phường không thể thực hiện được.
Đối với khu vực nội thành, việc quản lý chó, bắt chó thả rông có phần dễ dàng hơn do đường sá, nhà cửa đông đúc. Trong khi ở vùng ven, vùng nông thôn đồng ruộng mênh mông, sẽ khó khăn rất lớn đối việc thực hiện thông tư trên. Xe bắt chó không thể nào vây bắt chó trên đồng ruộng. Chưa hết, người nuôi chó ở vùng quê xem chó là con vật giữ nhà vô cùng thân thiết cũng như tham gia với họ trong việc săn bắt chuột, họ sẽ không chấp nhận xích chó hằng ngày.
Ông Cao Văn Hai, Chủ tịch UBND xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, cho biết việc thực hiện thông tư này nên có thời gian, tránh gây phiền phức cho người dân nhất là bà con vùng nông thôn. Với quá nhiều thủ tục, đăng ký, nuôi nhốt, dây xích, khóa mõm chó... sẽ gây khó cho người dân, nhất là khi họ bị phạt vạ sẽ dễ dẫn đến phản ứng. Nông dân mà bị phạt một, hai trăm ngàn đồng là khoản tiền khá lớn đối với họ. Theo ông Hai, trước mắt nên tổ chức vận động, tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu biết những quy định về nuôi chó. Sau đó, tiến hành thực hiện từng bước, trong quá trình thực thi có vướng mắc gì tháo gỡ từ từ, không nên xử phạt ngay.
Lấy ý kiến địa phương
Theo Chi cục Thú y TPHCM, cái mới của thông tư này là bắt buộc người nuôi chó phải đăng ký với chính quyền địa phương. Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng Trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch Động vật, Chi cục Thú y TPHCM, cho biết: Chi cục đã kiến nghị với Sở NN-PTNT TPHCM trong tuần tới sẽ mời các quận, huyện lên họp để phổ biến thông tư trên cũng như lấy ý kiến từng địa phương về vấn đề thực tế gặp khó khăn như thế nào, vai trò trách nhiệm đến đâu... Vấn đề này sẽ được triển khai từng bước sao cho hợp tình, hợp lý. Chi cục sẽ căn cứ vào ý kiến của các địa phương để làm cơ sở tham mưu cho Sở NN-PTNT, từ đó sở sẽ có tờ trình lên UBND TPHCM.
Cũng theo ông Nguyên, việc thực hiện đăng ký nuôi chó, người nuôi có thể đến UBND các phường, xã để đăng ký, cũng có thể cơ quan chức năng đến từng hộ để thực hiện kê khai đăng ký để tránh gây phiền hà cho người dân.
Các mức xử phạt từ 60.000 đến 500.000 đồng
|
Bình luận (0)