Theo chị T.V.B, sáng 3-12, chị nhận được thông tin từ hộp thư tự động thông báo bưu điện đang giữ thư triệu tập của TAND TP Hà Nội liên quan đến việc chị B. nợ tiền ngân hàng không trả. Thông tin từ hộp thư này đề nghị muốn biết chi tiết bấm phím 0 để gặp nhân viên tư vấn.
Hù dọa suốt 3 giờ đồng hồ
Sau khi bấm phím 0, giọng nam đầu dây bên kia hỏi tên, số điện thoại, chứng minh nhân dân chị B. Sau đó, giọng nam này đọc giấy triệu tập của TAND TP Hà Nội về việc một ngân hàng kiện vì nợ tiền không trả.
Bất ngờ trước thông tin này, chị B. trả lời là không có vay tiền của ngân hàng nào cả. Giọng nam đầu dây bên kia cho biết là chị B. bị lấy cắp thông tin, bị mạo danh. Tiếp đó, giọng nam đề nghị chuyển máy cho cơ quan công an.
Tiếp lời, giọng nam (nói tiếng miền Nam) xưng là trung úy Đoàn Văn Hùng, Đội 11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hà Nội cho biết qua điều tra chị B. có nợ tiền một ngân hàng và chị B. có thêm một tài khoản khác, tài khoản này để giao dịch với tội phạm, mua bán ma túy.
Nghe đến đây chị B. rất hoang mang vì trước giờ không phạm tội, làm việc bình thường và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Đầu dây bên kia "trung úy Đoàn Văn Hùng" tiếp tục đề nghị chị B. khai hết tất cả thông tin cá nhân, tài khoản, quan hệ nhân thân... Sau đó, "trung úy Hùng" liên tục hù dọa cơ quan pháp luật sẽ trừng trị nghiêm những hành vi phạm tội…
Nhiều tin nhắn qua Zalo đề nghị chị B. chuyển tiền không thì bị bắt ngay chiều 3-12
Trao đổi được một lúc, điện thoại tự dưng mất tín hiệu. Nghi ngờ, chị B. tra cứu danh bạ thì số điện thoại gọi đến trùng với số của Công an TP Hà Nội (?!). Sau đó, "trung úy Hùng" tiếp tục gọi điện hù dọa… và đề nghị chuyển tiền vào tài khoản của ban chuyên án để phong tỏa tài khoản nếu không chuyển tiền sẽ bị bắt ngay vào chiều 3-12. "Họ điện thoại cho tôi suốt 3 giờ trong sáng 3-12 để hù dọa khiến tôi không còn thời gian, bình tĩnh để suy nghĩ nên tôi đã chuyển 40 triệu đồng" – chị B. nói.
Chưa hết, sau khi chị B. đã chuyển 40 triệu đồng, "trung úy Hùng" còn đề nghị chị B. tiếp tục chuyển 30 triệu đồng để bảo lãnh tại phiên tòa sắp tới. Chị B. trả lời không còn tiền thì "trung úy Hùng" giảm xuống còn 10 triệu đồng.
Ngoài ra, "trung úy Hùng" còn dùng zalo có tên "Đội Pc Hà Nội" để liên tục nhắn tin đề nghị chị B. chuyển tiền để không bị bắt và bảo lãnh phiên xét xử sơ thẩm.
Lừa đảo
Chưa nghe hết nội dung vụ việc, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM khẳng định chị B. đã bị lừa.
Nói vì sao đối tượng có số điện thoại giống điện thoại Công an TP Hà Nội, ông Lê Đông Phong cho biết đối tượng sử dụng công nghệ IP tạo ra số ảo để nạn nhân nhầm tưởng là số của Công an TP Hà Nội. "Việc tạo số ảo nên lực lượng chức năng rất khó kiểm soát" - ông Lê Đông Phong nói.
Cũng theo Giám đốc Công an TP HCM, Công an TP đã thông tin tuyên truyền cảnh báo trên truyền hình, báo, đài rất nhiều để người dân cảnh giác. Lực lượng công an thường xuyên kiểm tra phát hiện và xử lý nhiều vụ lừa đảo. Bên cạnh đó người dân cần tăng cường cảnh giác, tránh để các đối tượng dẫn dắt câu chuyện, hù dọa để người dân chuyển tiền.
Khẳng định với phóng viên Báo Người Lao Động, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết cơ quan điều tra không bao giờ điều tra qua điện thoại. Khi tiếp nhận vụ việc, người dân cần bình tĩnh báo ngay cơ quan công an.
Trung tướng Lê Đông Phong cho rằng việc lừa đảo giống như tình huống trên xảy ra rất nhiều. Các đối tượng còn tạo ra các kịch bản như tạo ra tiếng bộ đàm, tiếng còi hụ của cảnh sát… để cho nạn nhân lầm tưởng là đang làm việc với cơ quan công an.
Bình luận (0)