xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người Trung Quốc “lọt sổ” quá dễ

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Có quá nhiều sai phạm liên quan đến các tổ chức, cá nhân trong vụ người Trung Quốc nuôi cá trái phép ở Vũng Rô - Phú Yên và tỉnh này đã nhận sai

img
Bà Bùi Thị Bích Ly, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hoàng, cho biết đã hợp đồng với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên để nuôi cá
Chiều 7-6, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức cuộc họp cùng các ngành liên quan để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong việc nuôi cá trái phép, nhất là liên quan đến người Trung Quốc (TQ), ở Vũng Rô. Ngay sau cuộc họp, ông Hồ Văn Tiến, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh, đã có cuộc gặp một số phóng viên.

Nhiều sở, ngành nhận trách nhiệm

Theo ông Tiến, từ năm 2007, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Đông Hòa và các ngành chức năng kiểm tra việc nuôi trồng thủy sản ở Vũng Rô. Tuy nhiên, chỉ đạo này đã không được thực hiện và mọi việc bị “bỏ quên”. “Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự đã nhận khuyết điểm khi UBND tỉnh để tình trạng doanh nghiệp (DN), cá nhân nuôi cá trái phép ở Vũng Rô - trong đó có người nước ngoài - kéo dài nhưng không quản lý và không có chỉ đạo kịp thời” - ông Tiến cho biết.

Tại cuộc họp, nhiều sở, ngành đã nhận trách nhiệm và cho biết sẽ nghiêm túc kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan. Cụ thể, Bộ Chỉ huy Quân sự Phú Yên từng được UBND tỉnh cho phép tạm thời chuyển một số lồng nuôi thủy sản vào một vùng nhỏ của Vũng Rô để tránh gió bão, yêu cầu không phát sinh nhưng năm 2009, Phòng Hậu cần lại ký hợp đồng với Công ty TNHH Thuận Hoàng để nuôi trồng thủy sản. “Đây là việc làm sai” - ông Tiến khẳng định. Ông Tiến cho rằng với việc này, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự Phú Yên cũng có trách nhiệm khi không kiểm tra, giám sát. UBND tỉnh đã giao Bộ Chỉ huy Quân sự Phú Yên kiểm tra và chấm dứt hợp đồng với DN này.

Lực lượng bộ đội biên phòng Phú Yên, nhất là Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Rô, trong thời gian dài không phát hiện, không kiểm tra, không báo cáo về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và cơ quan này cũng thiếu kiểm tra, giám sát, trong đó có tình trạng người TQ chưa đầy đủ thủ tục nhưng làm việc tại Vũng Rô.

Lực lượng công an không kiểm tra, giúp UBND tỉnh quản lý người nước ngoài, chưa kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp người nước ngoài vi phạm. Sở NN-PTNT cũng chưa làm hết chức năng của mình. Vũng Rô là vùng không được quy hoạch nuôi trồng thủy sản nhưng sở này đã để các DN, cá nhân nuôi trong thời gian dài mà không kiểm tra, phát hiện, xử lý.

Sở Tài nguyên - Môi trường để các DN không thực hiện thủ tục thuê mặt nước nhưng vẫn hoạt động tại Vũng Rô. Sở LĐ-TB-XH không kiểm tra, quản lý, để những người nước ngoài không bảo đảm các thủ tục vẫn làm việc ở Vũng Rô. Sở Kế hoạch - Đầu tư thì cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Vũng Rô khi các DN không có dự án đầu tư. Sau khi cấp giấy, sở này cũng không kiểm tra.

Dù đã có chỉ đạo của UBND tỉnh kiểm tra việc nuôi cá trái phép ở Vũng Rô từ năm 2007 nhưng UBND huyện Đông Hòa cũng như xã Hòa Xuân Nam không thực hiện, cũng không báo cáo vụ việc. Riêng Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, trong khi chưa có các cơ quan chuyên môn tham mưu nhưng lại dựa vào những văn bản không có cơ sở pháp lý để ban hành các văn bản cho phép DN được sử dụng lao động nước ngoài…

“Chúng tôi thấy rằng đây là một việc làm khập khiễng dẫn đến tình trạng thế này. Với tư cách là chánh Văn phòng UBND tỉnh, tôi đã nhận khuyết điểm trước chủ tịch UBND tỉnh và tại cuộc họp” - ông Tiến nói.

Tổng kiểm tra doanh nghiệp có người nước ngoài

Theo ông Hồ Văn Tiến, tại cuộc họp, UBND tỉnh Phú Yên và các ngành liên quan thống nhất sẽ tổng kiểm tra toàn bộ DN nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh, nhất là DN có sử dụng lao động nước ngoài. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện cụ thể ở từng DN, nếu sai phạm sẽ xử lý dứt điểm.

Về người nước ngoài làm việc tại Vũng Rô, theo ông Tiến, họ đều có giấy chứng nhận bằng cấp liên quan nhưng giấy này thật hay giả vẫn chưa xác định. Hiện vẫn còn 2 người TQ còn thời hạn làm việc tại Vũng Rô. UBND tỉnh đã giao văn phòng cùng các ngành chức năng kiểm tra lại toàn bộ thủ tục xuất nhập cảnh, giấy phép hành nghề, hợp đồng lao động... “Nếu ai vi phạm, chúng tôi sẽ trục xuất” - ông Tiến quả quyết.

Ông Tiến cho biết việc kiểm điểm, kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý người nước ngoài nuôi trồng thủy sản ở Vũng Rô không dừng lại ở cuộc họp này. Các cơ quan liên quan sẽ tiến hành kiểm điểm, kỷ luật từng cá nhân tùy theo mức độ sai phạm.

Ông Tiến cũng cho rằng có một vấn đề bất cập là Tổng cục Thủy sản cấp phép cho tàu nước ngoài được đi vào tất cả vùng biển của Việt Nam để thu mua hải sản, gây khó khăn trong công tác quản lý ở địa phương. “UBND tỉnh Phú Yên sẽ có văn bản kiến nghị tổng cục xem xét thay đổi việc này, chỉ nên cho phép mỗi chuyến tàu vào 1-2 tỉnh” - ông Tiến nói.

10 năm vẫn không hay biết!

UBND TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa khẳng định những bè nuôi cá ở vịnh Cam Ranh có sự hiện diện của người TQ đã được Cảng vụ Nha Trang đồng ý từ năm 2002 và được Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh xác nhận đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản vào năm 2006. Số bè cá này không có giấy chứng nhận sử dụng mặt nước biển (GCN).

Ông Nguyễn Khiêm, Chánh Văn phòng UBND TP Cam Ranh, cho biết trong 7 người TQ vi phạm các quy định về xuất nhập cảnh và cư trú tại 4 điểm sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP, 2 người có giấy phép lao động do Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa cấp làm việc trên bè cá của Công ty Song Phong. Công ty Song Phong thuê lại bè của Công ty TNHH Hải Long theo hợp đồng ký

ngày 1-1-2002, thời hạn 10 năm, không có GCN, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Theo hồ sơ của UBND TP Cam Ranh, bè nuôi cá của Công ty Song Phong trên vùng nước do Cảng vụ Cam Ranh quản lý được Cảng vụ Nha Trang (cấp trên) đồng ý tại phường Cam Linh. Năm 2006, khi Công ty Song Phong có văn bản xin phép, ông Lê Tấn Bản, Chi cục phó Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa (hiện là Phó Giám đốc Sở NN-PTNT), có bút phê “đủ điều kiện nuôi dưỡng thủy sản”.

Trao đổi với chúng tôi ngày 7-6, ông Trần Đức Thi, Phó Giám đốc Cảng vụ Nha Trang, cho biết cảng đã làm đúng chức năng, quyền hạn của mình. Cảng vụ cho neo đậu dựa trên khía cạnh an toàn hàng hải, còn việc cho phép nuôi trồng thủy sản là do UBND địa phương. Theo ông Bản, việc Công ty Song Phong chưa có GCN nhưng vẫn được xác nhận đủ điều kiện nuôi cá giống, chi cục sẽ rà soát lại.

Trong khi đó, ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, khẳng định việc xác nhận DN đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản hay không, trước hết phải có GCN. “Không hiểu sao người TQ lại “lọt sổ” dễ dàng như vậy! Tôi từng dẫn một chuyên gia nước ngoài đi xem lồng tôm ở Cam Ranh, khi vừa đặt chân xuống bè đã bị bộ đội biên phòng chặn lại, bắt viết tường trình. Quản lý chặt thế mà sao người TQ hoạt động cả 10 năm lại không biết?” - ông Lăng bức xúc.

Kỳ Nam

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo