Đó là con số báo cáo thống kê từ Bộ Y tế; còn thực tế, chắc chắn số vụ đánh nhau không chỉ có thế và đáng nói hơn, hầu như trên cả nước ngày nào cũng có hàng chục vụ đánh nhau. Người ta choảng nhau vì đủ mọi lý do: va quệt xe, bị ép uống, bị đùa dai hay “vô duyên” hơn nữa là ghét một cái nhìn, một câu nói hay một cử chỉ ngứa mắt. Hiện tượng này rơi vào đủ loại thành phần: từ những người ngoài xã hội lẫn học sinh, sinh viên, cán bộ - công chức, đồng thời có thể diễn ra bất cứ ở đâu: trong gia đình, trường học, công sở, bệnh viện… lẫn ngoài đường phố.
Lẽ nào người Việt thích đánh nhau nên chỉ cần một sự cố nhỏ, họ cũng dễ bị kích động? Chắc chắn không phải vậy bởi đánh nhau là hiện tượng xã hội mà ở bất cứ quốc gia nào cũng có. Thế nhưng, chỉ trong một dịp nghỉ Tết ở Việt Nam mà có hơn 3.500 người phải nhập viện vì đánh nhau thì không thể xem là bình thường.
Đi tìm nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể thấy đa phần do sử dụng rượu bia dẫn đến thiếu kiềm chế. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi. Sâu xa hơn, theo phân tích của các nhà giáo dục, tâm lý xã hội, các chuyên gia kinh tế, pháp luật… thì đó là do giáo dục, là sự chú trọng dạy chữ, xem nhẹ dạy làm người; phát triển kinh tế thị trường không gắn liền với phát triển văn hóa; pháp luật chưa nghiêm minh, ý thức chấp hành pháp luật của một số người quá kém; nhiều áp lực trong cuộc sống; xã hội còn nhiều bất công, tiêu cực...
Vấn đề là tìm ra nguyên nhân, giải pháp cũng đã đề ra nhưng giải quyết triệt để lại rất khó khăn nếu cả xã hội không đồng lòng và quyết liệt làm đến cùng. Vì thế, rất cần mỗi người sống đúng theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”; cần những người cầm cán cân công lý xử phạt nghiêm minh, công bằng với bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào, cho dù đó là ai; cần làm tốt công tác giáo dục về cách ứng xử cũng như pháp luật cho trẻ em…, chắc chắn sẽ giảm rất nhiều những vụ án giết người, cố ý gây thương tích chỉ vì những lý do lãng xẹt.
Bình luận (0)