Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do ô tô lao vào xe máy trên cầu Thuận Phước (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) xảy ra ngày 13-7 làm 3 người thiệt mạng, trong đó có 2 người văng từ trên cầu xuống đất ở độ cao trên 30 m một lần nữa cảnh báo những mối hiểm nguy do lan can cầu quá thấp.
Bất an trên cầu vượt
Tại TP HCM cũng từng xảy ra những vụ tai nạn tại cầu Nguyễn Văn Cừ và cầu Thủ Thiêm do người đi xe máy va chạm vào thành cầu, văng người qua lan can rớt xuống sông. Hàng loạt những cây cầu khác có lan can khá thấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tai nạn tương tự, như: cầu vượt Lăng Cha Cả, cầu vượt 3 Tháng 2 , cầu vượt Cây Gõ...
Trên thực tế, việc đầu tư xây các cầu vượt bằng thép tại TP HCM đã có kết quả đáng kể trong nỗ lực giảm kẹt xe và mở ra giải pháp khả thi giảm ùn tắc giao thông trong những năm trước mắt. Ngoài 6 cầu vượt bằng thép hiện có, ngành giao thông vận tải (GTVT) TP đang tiếp tục triển khai xây dựng cầu vượt bằng thép tại ngã 6 Gò Vấp.
Do đặc điểm các đô thị Việt Nam, trong đó có TP HCM, là lượng xe gắn máy chiếm tỉ lệ rất cao, trên 90% nên phần lớn cầu vượt bằng thép phải cho xe gắn máy chạy chung với ô tô. Và do công tác giải tỏa khó khăn, tốn kém nên bề rộng mặt cầu và đặc biệt bề rộng làn xe gắn máy trên cầu quá nhỏ. Cầu vượt trong thành phố thường có độ dốc cao để bảo đảm chiều cao tỉnh không 4,5 m cho xe chạy bên dưới, bề rộng dành cho xe gắn máy lại hẹp, thường gây tâm lý bất an cho người đi xe gắn máy trên cầu. Những lúc mưa to gió lớn, người đi xe máy trên cầu càng lo ngại và rất dễ xảy ra tai nạn.
Không đạt chuẩn thiết kế
Ở các nước, tuy không có lượng xe gắn máy tham gia giao thông nhiều nhưng họ rất quan tâm đến an toàn cho người đi bộ và xe máy trên cầu vượt trong các đô thị. Nói chung, tiêu chuẩn thiết kế ở các nước đều yêu cầu chiều cao lan can cầu tính từ cao độ mặt đường xe 2 bánh chạy ít nhất là 1,4 m. Ngoài ra với các cầu vượt có lưu lượng xe máy lớn, làn xe hẹp, giao cắt với các trục đường giao thông quan trọng, chiều cao lan can phải là 2,4 m kèm theo hệ thống lưới che an toàn.
Hiện nay, ngành GTVT Việt Nam đang thiết kế cầu theo 22TCN 272-2005, dựa theo tiêu chuẩn AASHTO LRFD 1998 của Mỹ. Tiêu chuẩn này chủ yếu cho cầu trên các tuyến giao thông ngoài đô thị (highway bridge), qua các sông suối là chính nhưng độ cao của lan can phải đạt 1,4 m. Hiệp hội AASHTO và các tiểu bang của Mỹ đều có tiêu chuẩn kỹ thuật bổ sung cho thiết kế cầu trong đô thị, đặc biệt cho các cầu có người đi bộ và xe 2 bánh tham gia giao thông. Nhìn lại các cầu vượt thép có xe máy tham gia giao thông hiện nay của TP HCM, chiều cao này chỉ khoảng 1,1 m, không đạt theo tiêu chuẩn thiết kế trên. Lỗi có thể do tư vấn thiết kế sơ suất và có trách nhiệm của các đơn vị kiểm tra, thẩm định.
Như vậy, ngành GTVT TP cần nhanh chóng khảo sát kiểm định lại các thông số kỹ thuật yêu cầu theo tiêu chuẩn; xử lý bổ sung chiều cao hệ lan can hoặc lưới che an toàn. Lâu dài, Bộ GTVT nên bổ sung các tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn thiết kế cầu trong đô thị theo thông lệ thế giới. Không nên để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Lắp hàng rào ở những cây cầu nguy hiểm
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Người Lao Động, cầu vượt thép trên đường 3 Tháng 2, Cộng Hòa và cầu vượt ở nút giao thông Lăng Cha Cả có lan can khá thấp, chỉ khoảng 80 - 90 cm. Xe gắn máy và ô tô cùng lưu thông trên cầu. Nếu xảy ra va chạm, người và phương tiện rất dễ văng khỏi thành cầu. Cầu vượt trên đường 3 Tháng 2 (quận 10, TP HCM) có lan can khoảng 1 m, ngang hông người ngồi sau xe máy. Tương tự, cầu vượt bằng thép ở vòng xoay Cây Gõ cũng thấp, hướng nhìn của người đi đường xuống dưới dễ bị hoa mắt.
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh - Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, Sở Giao thông Vận tải TP HCM - cho biết các cầu vượt thép trên địa bàn TP đều được xây dựng đúng theo quy chuẩn thiết kế. Trong đó, chiều cao và khoảng cách giữa lan can cầu với lòng đường cũng đã được tính toán phù hợp cho việc đi lại cũng như bảo đảm an toàn giao thông cho người dân. Trước phản ánh về việc lan can trên một số cây cầu khá thấp, gây bất an cho người đi đường, đơn vị đã có kế hoạch lắp thêm hàng rào ở những vị trí cầu cong, đoạn đổ dốc.
Gia Minh - Sỹ Đông
Bình luận (0)