Ngày 24-10, ông C. (77 tuổi; ngụ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM) từ nhà đi bộ băng qua đường Đặng Thúc Vịnh để rút tiền. Lúc trở về, ông C. va chạm với xe máy do một người đàn ông điều khiển. Ông C. chết tại chỗ, người lái xe cũng bị thương.
Qua đường như mắc cửi
Sáng 25-10, chúng tôi trở lại đường Đặng Thúc Vịnh. Con đường nhiều phương tiện lưu thông này có chiều dài hơn 5 km, 6 làn xe, hàng chục điểm giao cắt với đường khác. Nơi diễn ra va chạm khiến ông C. tử vong gần dải phân cách, không có điểm mở dải phân cách nên không có vạch kẻ dành cho người đi bộ.
Qua trao đổi, một số người dân cho biết chuyện tự ý băng qua đường không phải lạ. "Tuy có nơi có vạch kẻ nhưng không mấy ai chọn mà qua lại tùy hứng, thậm chí khiêng cả xe đạp, gia súc trèo qua dải phân cách - một phụ nữ lớn tuổi kể.
Rời đường Đặng Thúc Vịnh, chúng tôi đến các tuyến đường lớn như Quang Trung (quận Gò Vấp), Cống Quỳnh (quận 1), Điện Biên Phủ, Nguyễn Huy Lượng (quận Bình Thạnh)... và đều ghi nhận tình trạng băng qua đường không đúng vị trí trong lúc phương tiện qua lại vun vút. Đáng nói, nhiều vị trí vạch kẻ đường dành cho người đi bộ rất rõ ràng, có nơi xây hẳn cầu bộ hành, thế nhưng dường như không ai để ý. Cầu bộ hành thậm chí rất vắng vẻ, trở thành địa điểm buôn bán, nghỉ ngơi của nhiều người.
Trước cổng Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Từ Dũ mỗi ngày có rất nhiều bước chân thản nhiên lách giữa dòng xe đông đúc để sang đường. Lý giải về việc này, ông Đỗ Huy Hạnh (57 tuổi, ngụ quận 1, chăm người tại bệnh viện Ung Bướu) cho rằng việc đi như vậy là để nhanh và tiện hơn. Ông Hà Thanh Vũ (52 tuổi, ngụ Bình Thạnh) cũng cho rằng lên cầu quãng đường sẽ xa hơn, phải leo nhiều bậc thang, tốn nhiều sức lực so với việc chỉ vài bước chân là tới vỉa hè bên kia.
Trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, tình trạng người dân, sinh viên tùy ý qua lại hai bên đường diễn ra từ lâu Ảnh ANH VŨ
Tổn thất cả đôi bên
Ở chiều quan điểm khác, nhiều người khẳng định những biện hộ như trên xuất phát từ những suy nghĩ thiếu chín chắn.
"Cầu bộ hành, nơi kẻ vạch sang đường là để tạo điều kiện cho người đi bộ di chuyển thoải mái và an toàn hơn, vậy mà tôi thấy vô số người rất ẩu. Điều này không chỉ nguy hiểm cho chính họ mà còn ảnh hưởng đến những người người tham gia giao thông khác. Mong cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, xử lý hành vi này nhiều và nghiêm hơn" - ông Nguyễn Văn Huy (52 tuổi, làm nghề tài xế xe công nghệ) nói.
Thanh niên thản nhiên băng qua đường Đặng Thúc Vịnh, huyện Hóc Môn Ảnh: Thùy An
Thực tế đã có nhiều trường hợp người đi bộ bị xử lý. Trước đó, bà N.T.M.Y (ngụ quận 4) trong lúc băng qua đường trên cầu Ông Lãnh đã va chạm với xe máy do anh P.V.V điều khiển khiến anh này té ngã, tử vong. Bà Y. được xác định qua đường không đúng nơi quy định, bị tuyên phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" và phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 7,5 triệu đồng.
Tại tỉnh Hưng Yên, một nữ sinh viên bị tuyên 9 tháng tù giam, 18 tháng thử thách về hành vi cản trở giao thông đường bộ. Bị cáo phạm pháp khi trèo qua hàng rào phân cách để sang đường khiến người điều khiển xe máy vì tránh mà đâm vào lề đường tử vong.
Một phụ nữ giữa dòng xe đông đúc trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp Ảnh: Minh Diễm
Có thể lĩnh đến 15 năm tù
Theo luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, Luật Giao thông đường bộ quy định người đi bộ là người tham gia giao thông nên phải tuân thủ các nguyên tắc giao thông đường bộ. Người đi bộ phải đi trên vỉa hè, lề đường hoặc sát mép đường. Họ chỉ qua đường ở nơi có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường hoặc nơi có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ.
Trường hợp không có các điều kiện trên thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường. Người đi bộ cũng phải tự chú ý an toàn của bản thân và không được gây trở ngại cho các phương tiện khác.
Từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT TP HCM đã xử lý 9 vụ vi phạm Luật Giao thông đường bộ đối với người đi bộ. Trong đó, phần nhiều là lỗi sang đường không đúng nơi quy định.
Nếu người đi bộ tham gia giao thông không tuân thủ các nguyên tắc trên thì bị xử phạt với mức phạt từ 60.000 - 200.000 đồng. Ngoài ra, Bộ Luật Hình sự nêu rõ nếu đi sai luật gây hậu quả lớn có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 15 năm.
Luật sư Phan Hòa Nhựt, Giám đốc Công ty Luật TNHH The Law, cho biết Luật Giao thông đường bộ quy định UBND các cấp có trách nhiệm trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông tại địa phương. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý.
Về xử lý, khi xảy ra tai nạn giao thông cần xét đến yếu tố lỗi của cả hai bên. Tùy trường hợp, nếu người đi xe máy cũng có lỗi dẫn đến việc gây tai nạn như chạy tốc độ cao, lái xe trong tình trạng say xỉn, lái xe không có giấy phép lái xe... thì cơ quan thẩm quyền sẽ đưa ra đánh giá cụ thể về việc đã đến mức bị xử lý hình sự hay chỉ dừng ở mức phạt hành chính. Ngoài ra, bên bị tai nạn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với phía có lỗi dẫn đến gây tai nạn cho mình.
Hiện nay đã có nghị định xử lý vi phạm hành chính về vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất ít người đi bộ bị xử lý và mức phạt cũng chưa đủ để răn đe.
Một lý do nữa khiến việc tùy tiện sang đường trở nên phổ biến là do mọi người nhìn thấy nhau làm và làm theo, trẻ em nhìn và học theo cách qua đường của những người lớn hơn. Do đó, việc giáo dục để tập thành một thói quen cho trẻ em về việc tuân thủ Luật Giao thông là cần thiết.
"Mặt khác, việc qua đường không đúng vị trí cũng xuất phát từ mạng lưới đường bộ chưa được hoàn thiện gây bất tiện cho người đi bộ. Việc này cần thời gian để từ từ khắc phục tốt hơn" - luật sư Phan Hòa Nhựt nói thêm.
Một người đưa em bé trong xe đẩy qua đường ở nơi không có vạch kẻ thay vì đi lên cầu bộ hành.Ảnh: ÁI MY
Nhận diện nguyên nhân
Luật sư Trần Thị Thanh Thảo nhận xét tình trạng đi bộ sang đường bừa bãi, không đúng vị trí xảy ra tràn lan ở TP HCM, Hà Nội... gây cản trở giao thông, khiến người điều khiển phương tiện bị thiệt hại oan.
Bên cạnh ý thức còn kém của người dân, việc quy hoạch, thiết kế làn đường cho người đi bộ cũng còn nhiều bất cập, vô tình tác động đến ý thức người chấp hành. Chưa kể, nhiều công trình cầu đi bộ hiện chưa mang lại hiệu quả, đưa vào sử dụng thực tế đã phát sinh nhiều vấn đề. Một số cầu đi bộ hiện bị hàng rong lấn chiếm, nhiều nơi hoặc bị treo quảng cáo hoặc đầy rẫy kim tiêm khiến người đi bộ e ngại, không dám đi.
Để nâng cao ý thức người đi bộ, công tác quản lý cần được siết chặt. Quy định pháp luật để xử phạt cần nghiêm minh, cần sử dụng nhiều biện pháp như camera an ninh, ra quân xử phạt trực tiếp...
Bình luận (0)