Đêm 8-3, gia đình ông Phạm Xuân T. ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) bị 4 thanh niên đi trên 2 xe máy "khủng bố" chớp nhoáng bằng cách ném đá, mắm tôm trộn sơn vào nhà.
Định thần sau hoảng loạn, ông T. cho biết trước nay không có mâu thuẫn với ai, chỉ duy nhất một lần là chứng nhân quan trọng vụ côn đồ hành hung phóng viên gần trạm BOT Trảng Bom. Lần ấy ông có quay clip đưa lên mạng để công an sớm tìm ra thủ phạm để rồi ngay sau đó ông bị số điện thoại lạ hăm dọa bằng những lời lẽ gây kinh hãi.
Công an tới ghi nhận sự việc (ảnh trái) và hàng xóm hỗ trợ gia đình ông T. lau, chùi các vết sơn, mắm tôm.
Liên kết hai sự việc này, bạn đọc bức xúc vì cách hành xử khá hèn của 4 người trên; đồng thời đặt câu hỏi có bóng dáng của sự trả thù hay không.
Nicknam Ngộ Không nói: "Các đối tượng đánh phóng viên chỉ vì nghi bị ghi hình vi phạm giao thông. Vậy mà bây giờ khi dải phân cách được gỡ bỏ thì lại hằn học, cay cú trả thù những người phản ánh? Bản chất nằm ở đâu, ai cũng biết!".
Đồng quan điểm, bạn đọc Lành Bình An cho rằng: "Kịch bản lời khai của người đánh phóng viên báo Người Lao Động còn có cả đạo diễn kèm theo thì nhà người dân có mắm tôm và sơn ném vào nhà là điều dễ hiểu". Trong khi đó, bạn đọc Nguyen Thu Thuy khẳng định: "Khủng bố người dân đưa tin những hành động sai trái. Pháp luật phải mạnh tay với lũ côn đồ dựa hơi trên". Theo bạn đọc, sau lưng các đối tượng này chắc chắn có người giật dây.
Nickname Nói Thẳng phân tích: "Những nội dung đe dọa người đăng hình công an đã biết rồi, nếu công an không làm tới nơi tới chốn và khẩn cấp thì nguy cơ sẽ có những vụ tự xử và án mạng sẽ xảy ra. Nên chăng những việc nào có tính chất đe dọa đến tính mạng mà công an chậm chạp hoặc không điều tra khẩn cấp thì khi hậu quả xảy ra nên quy trách nhiệm cho công an…"
Bạn đọc Tran tái khẳng định việc tấn công là nằm trong tính toán: "Bọn người này có "bảo kê" rất mạnh. Người dân đều biết cả thôi, nhưng quan trọng là công an và chính quyền có làm hay không". Bạn đọc Chu Minh Tuyển đồng cảm với ý kiến này và cảnh báo hệ lụy: "Công an phải truy tìm và xử lý thật nặng những kẻ đe doạ, khủng bố tinh thần người dân dám đứng ra tố cáo như thế này. Không tìm ra và xử lý triệt để thì sẽ không có ai dám đứng ra giúp sức phá những vụ án tiếp sau".
Còn Chim Gõ Kiến nói thẳng: "Tôi không tin là Công An Đồng Nai không thể làm vụ này. Đại tá Văn, Giám đốc công an tỉnh từng làm rất nhiều vụ về các tổ chức tội phạm xã hội đen tồn tại và hoành hành nhiều năm trước ở Biên Hòa, Đồng Nai, không thể để vụ này nhởn nhơ thách thức thế được".
Rất nhiều ý kiến khác sau khi xâu chuỗi sự việc đều bày tỏ mong muốn hiện tượng "khủng bố" bằng việc ném chất bẩn xảy ra nhiều lần tại nhiều nơi ở Đồng Nai phải chấm dứt.
Chiều 20-2, phóng viên Nguyễn Văn Tuấn của Báo Người Lao Động trong lúc tác nghiệp về "dải phân cách hành dân" gần trạm BOT Trảng Bom đã bất ngờ bị 2 đối tượng hành hung, truy đuổi. Phẫn nộ chuyện này, một số người dân đã chụp lại hình ảnh, quay lại đối tượng và chia sẻ thông tin lên mạng thì lập tức bị kẻ lạ mặt gọi điện uy hiếp, yêu cầu gỡ hình ảnh, bài viết; nếu không sẽ cho người đến tận nhà "xử đẹp".
Trong đó, ông T. vì quá bức xúc vụ việc nên đã chia sẻ thông tin lên trang Facebook cá nhân, đồng thời đăng tải clip và hình ảnh 2 đối tượng đánh phóng viên để công an vào cuộc truy tìm.
Ngày 3-3, hai kẻ hành hung ra trình diện và công an đang làm rõ vụ việc thì 8-3 nhà ông T. bị tấn công.
Bình luận (0)