Đụng gì cũng bán, con cháu lấy gì mà sống
Bạn đọc Trần Minh Quân, nói thẳng: “Tôi còn nhớ bao nhiêu lời cảnh báo, can ngăn từ các nhà khoa hoc, kinh tế, những người có tâm huyết, lương tri với đất nước vẫn còn như mới hôm qua....! Rồi cũng như Vinasin, vinalines thôi. Trách nhiệm là.... của chung! Thật tàn nhẫn”.
Chỉ rõ hơn về bản chất của vụ việc, bạn đọc Bình Minh, bày tỏ: “Nhiều người cố quyết để dự án bauxite Nhân Cơ và Tân Rai thành hiện thực, mặc cho bao nhiêu bài báo với bao nhiêu lý do chính đáng rằng không nên có cái dự án này. Theo phân tích thì việc hạch toán lỗ lãi quá đơn giản, chỉ là vài phép tính cộng trừ như một học sinh lớp năm vậy mà bao nhiêu chuyên gia của nhà đầu tư lại không tiên liệu được. Hay là biết lỗ mà vẫn làm? Có phải vì dự án thì chắc chắn lỗ nhưng có những cá nhân lại "lãi lớn" khi thực hiện dự án nên người ta mới cố làm?”.
Bức xúc với cách làm kinh tế của Vinacomin, bạn đọc Lê Thanh Sơn, bức xúc: “Khi mới lập dự án thì luôn khẳng định là lãi, dù có nhiều ý kiến phản đối nhưng vẫn "phải mạnh dạn và kiên quyết làm". Bây giờ xây dựng xong rồi thì bắt đầu kêu lỗ: “dự kiến năm tới mới có thể có lãi”, nếu năm tới vẫn lỗ thì phải chăng cứ thế mà kêu "năm tới nữa sẽ có lãi". Dự án cả tỉ USD tiền của dân mà các vị tính toán cứ như chuyện đùa”.
Nhìn nhận lại hoạt động của các “ông” lớn kinh tế, bạn đọc Quang Hưng kết luận: “Hết “ông” Vinashin đến “ông” Vinaline, giờ thì đến Vinacomin. Cứ thua lỗ hoài thì sức dân sao chịu nổi”.
Ai chịu trách nhiệm ?
Trước ý kiến trả lời báo chí của ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin: “làm theo chỉ đạo của Chính phủ”… “không biết bao giờ hết lỗ”… nhiều bạn đọc cho rằng ông Hòa đang lẩn tránh trách nhiệm. Lập một dự án kinh tế mà không biết bao giờ có lãi, khi lỗ thì đổ trách nhiệm cho người khác thì cần gì phải ngồi vào cái ghế chủ tịch hội đồng thành viên của tổng công ty? Ở vị trí lãnh đạo một tổng công ty, hưởng lương cao từ tiền thuế của dân nhưng thiếu năng lực, gây lỗ lã mà vẫn an nhiên là điều không thể chấp nhận.
Bạn đọc Ya Lúp, phân tích: “Khách quan mà nói, nếu chúng ta làm dự án này chỉ bán cho Trung Quốc và Malaysia thì họ phải mua với giá mà chúng ta có lời và có tiền để khắc phục môi trường bị ảnh hưởng. Nếu họ mua với giá thấp thì nên dừng luôn dự án, bởi đã làm ăn thì hai bên cùng có lợi chứ không thể một bên vừa thiệt hại kinh tế vừa thiệt hại môi trường còn một bên thì mua giá thấp hưởng lợi. Người dân Tây Nguyên chúng tôi muốn được nghe lời nói thật bụng của người có trách nhiệm quyết định dự án này”.
Chỉ rõ hơn bản chất của vấn đề, bạn đọc Hoa Vinh, viết: “Lúc lập dự án và thực hiện các dự án Bauxite ở Tây Nguyên, các chuyên gia và ban quản lý dự án các cấp đều rất quyết tâm dù có biết bao ý kiến phản đối vì ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, cơ sở hạ tầng trong khi hiệu quả rất mù mờ. Nay kết quả bước đầu đã thấy rõ. Tương lai Nhà máy Tân Rai cứ phải sản xuất, lúc này Trung Quốc chỉ cần ngừng không mua khoảng dăm bảy tháng, sản phẩm ứ đọng, không đủ kho để chứa… thì Trung Quốc ra điều kiện 170USD/tấn cũng phải bán chứ biết làm sao”.
Càng chạy theo càng thiệt hại! “Dù đã bỏ ra nhiều tiền của, công sức… nhưng việc tạm dừng triển khai các dự án bauxite vẫn là thượng sách. Càng chạy theo các dự án này thì càng thiệt hại và chỉ khổ cho dân thêm thôi” – bạn đọc Nguyễn Văn Trực.
“Khi dự án bauxit này đang còn trên giấy thì các nhà kinh tế đã biết là sẽ bị lỗ rồi. Sản xuất làm chi một mặt hàng mà chỉ có 2 người mua, một người mua cầm chừng còn một người thì sau này sẽ ra chiêu ém giá thì không “sụp tiệm” mới là lạ” – bạn đọc Thanh Hồng. “Trước đây không nghe lời can gián của các nhà khoa học và những người có tâm với đất nước, nay cười đau khóc hận với bauxit. Tiền của nhân dân bay theo bụi đỏ Tây Nguyên mất rồi !” – bạn đọc Lê Uy Lực.
|
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!