Ông Phạm Văn Chợ (một nông dân ở tỉnh Long An), cho biết ông và nhiều hộ dân nữa đem mía đến bán cho Nhà máy Mía đường, cồn Long Mỹ Phát (thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang). Một số ghe mía trước đó đã được nhà máy thu mua, một số còn lại neo chờ. Mấy ngày gần đây, bỗng nhiên nhà máy cho hay đã bị cấm hoạt động nên không thu mua mía của bà con nữa, yêu cầu bà con tự giải quyết số mía của mình. "Nhà máy có hợp đồng với chúng tôi mà giờ điện thoại không được nữa, ghe mía đậu gần nửa tháng nay, mưa gió quá muốn chìm hết rồi", ông Chợ ngậm ngùi.
Bà Nguyễn Thị Sáu (một nông dân bán mía), tâm sự: "Do đậu nhiều ngày để chờ, hiện nay, mía của chúng tôi đã hư hỏng nhiều, mà nhà máy này thì thông báo không hoạt động và nói chúng tôi tự đi tìm chỗ tiêu thụ. Ở Hậu Giang này chỉ có 2 nhà máy, nhưng khổ cái là nếu mình có chở mía qua các nhà máy khác chưa chắc họ thu mua cho mình".
Các ghe mía đậu chờ nhà máy thu mua
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tiến Danh, Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ, cho hay địa phương có nắm tình hình nhiều nông dân các tỉnh hiện gặp khó trong tiêu thụ mía do Nhà máy Mía đường, cồn Long Mỹ Phát bị đình chỉ hoạt động. Vụ việc này đã được địa phương báo cáo về tỉnh và xin ý kiến chỉ đạo. "Tôi đã gặp gỡ bà con để ghi nhận ý kiến, bà con có yêu cầu xin UBND tỉnh cho nhà máy hoạt động lại trong 2 ngày để tiêu thụ mía cho họ. Tuy nhiên, nhà máy đường này đã vi phạm về việc xả thải ra môi trường và bị đình chỉ từ ngày 6-5 trong chuyến kiểm tra thực tế của Chủ tịch UBND tỉnh. Hiện giờ, chỉ còn cách vận động bà con tìm nhà máy khác tiêu thụ. Mặt khác, UBND tỉnh làm văn bản xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi Trường về việc có cho nhà máy này hoạt động lại hay không?", ông Danh cho biết thêm.
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khảo sát hiện trường
Cũng theo ông Danh, các hộ dân này đến từ các tỉnh như Long An, Sóc Trăng. Thông tin ban đầu từ người dân, hiện có khoảng 34 ghe mía với khoảng 2.500 tấn mía đang neo đậu tại cầu cảng Nhà máy Mía đường, cồn Long Mỹ Phát chờ được thu mua.
Như đã thông tin, từ phản ánh của người dân và theo dõi, khảo sát của các cơ quan bảo vệ môi trường tỉnh Hậu Giang, từ ngày 22-3 đến 2-5, trên sông Cái Lớn và các kênh nhánh đã xảy ra 4 đợt ô nhiễm môi trường nước mặt (ô nhiễm hữu cơ làm nước có màu đen và phát sinh mùi hôi). Ngành chức năng tỉnh vào cuộc xác minh, kết quả bước đầu cho thấy, nguồn nước sông Cái Lớn và các kênh nhánh bị ô nhiễm hữu cơ bởi các nguồn thải dọc sông Cái Lớn. Trong đó, nguyên nhân chính là từ hoạt động xả thải của nhà máy thuộc Công ty TNHH Mía đường, cồn Long Mỹ Phát. Tại buổi khảo sát thực tế ngày 6-5, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu đã yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động.
Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh Hậu Giang khảo sát thực tế
Bên cạnh đó, đối với các vi phạm của nhà máy trong công tác bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo công an tỉnh xem xét các hành vi vi phạm của đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thanh tra toàn diện công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy.
Đối với thiệt hại do ô nhiễm nguồn nước mặt, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo UBND thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ thống kê toàn diện thiệt hại. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ thành lập hội đồng chuyên môn xác định thiệt hại và có phương án giải quyết phù hợp, đúng quy định của pháp luật.
Bình luận (0)