Đọc và xem hình ảnh về vụ cháy tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TP HCM khiến 6 người tử vong, bà Lê Thị Nghĩa (ngụ gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) rùng mình. Nhà bà Nghĩa cũng thuộc dạng nhà ống, cạnh bãi đất trống đầy cỏ hoang, lối ra vào nhà chỉ một cửa duy nhất. Căn nhà này từng 2 lần suýt cháy do đốt rác, cỏ khô và thắp nhang, đốt vàng mã.
Nhà ống chiếm hơn 40%
Thế nhưng, nguyên nhân cháy do đốt cây, cỏ gây ra chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC - Cứu nạn cứu hộ Công an TP HCM (PC07), số vụ cháy tại khu dân cư đô thị chiếm hơn 63%. Từ đầu năm đến nay, TP xảy ra 63 vụ cháy, trong đó có 44 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện và sơ suất, bất cẩn trong sử dụng lửa, nhiệt. Một nửa số vụ cháy trong đó xảy ra tại các căn nhà vừa ở vừa kinh doanh và xây kết cấu dạng nhà một lối thoát (hay còn gọi nhà ống).
Căn nhà ống có lối đi vừa đủ một người (đường Nguyễn Thái Học, quận 1, TP HCM)
Trong khi đó, theo thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, dạng nhà ống tại TP chiếm tỉ lệ hơn 40%, có những căn nhà cơi nới và chật hẹp đến mức lối ra vào chỉ vừa đủ một người đi.
Ghi nhận của phóng viên tại đường Nguyễn Thái Học, quận 1, TP HCM, rất nhiều con hẻm được mệnh danh "không thấy ánh sáng mặt trời". Có những căn nhà diện tích chỉ từ 3-8 m2, xây cơi nới ở tầng cao để đủ chỗ nằm. Điển hình như căn nhà bà Trương Tài Lan (16/42 Nguyễn Thái Học) có diện tích nhỏ, để đủ ở, gia đình bà Lan làm 3 căn gác. Tầng trệt đào hố giữa nhà xây bệ xí, vách tường làm nhà bếp. Ở các tầng trên là nơi chứa đồ và phòng ngủ. Khi hỏi về nguy cơ cháy nổ, bà Lan nói: "Cuộc sống khó khăn, có chỗ ở là may mắn, cháy nhà xui lắm mới gặp nên chúng tôi cũng không nghĩ tới".
Không những bà Lan mà rất nhiều hộ khi chúng tôi đặt cùng câu hỏi thì câu trả lời cũng tương tự. Thậm chí nhà bà Lưu Thị Trí (chân cầu Hiệp Ân 2, phường 12, quận 8) từng bị lửa bùng cháy khiến 25% diện tích căn nhà thành tro bụi nhưng bà vẫn xem đó là chuyện "xui lắm mới gặp". "Khu dân cư này đâu phải mỗi nhà tôi nguy cơ. Từ đây ra đến cầu Chà Và, cho chú thống kê nửa ngày cũng chưa hết có bao nhiêu căn nhà ống" - bà Trí nói.
Chống trộm, khóa luôn đường thoát nạn
PC07 cho biết thời điểm cháy nổ thường diễn ra vào ban đêm, lúc người dân vẫn đang say ngủ. Với nhà ống, khi phát hiện cháy, người bên trong nhà đã bị ngạt khí và ngất xỉu. Phía ngoài, lực lượng chữa cháy tại chỗ gặp rất nhiều khó khăn khi phá cửa vào bên trong. "Thiết kế nhà cửa chắc chắn, bịt chặt lối cửa phụ nhằm chống trộm nhưng cần trang bị kỹ năng thoát nạn và luôn quan tâm đường thoát hiểm" - PC07 khuyến cáo.
Cụ thể, người dân cần thực hiện các biện pháp PCCC như sau: Không để ôtô trong nhà ở để phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí độc khi nổ máy. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà, trường hợp cần phải dự trữ thì số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt, tránh nhầm lẫn và đổ vỡ. Lắp đặt thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn; không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, dây dẫn, ổ cắm, thiết bị sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy; khi sử dụng bàn ủi, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người tàn tật, người tâm thần sử dụng các thiết bị điện. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ và trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và khóa van gas. Trước khi rời khỏi và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt thiết bị điện không cần thiết... Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết; gọi điện cho Cảnh sát PCCC 114 hoặc đội dân phòng chính quyền, công an xã - phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.
Trổ cửa, trổ sân thượng
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Thành, thành viên Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho biết nhà ống xuất hiện tại TP HCM từ thời Pháp thuộc nhưng quá trình xây dựng luôn tính toán các khoảng cách an toàn trong PCCC. Đơn cử dãy nhà của hãng nước mắm Liên Thành (đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1) hay dãy nhà chú Hỏa (đường Hàn Thuyên, quận 1) luôn có con hẻm ở phía sau. Mục đích tạo lối thoát hiểm và độ thoáng cho nhà ở đô thị. Tuy nhiên, hiện nay "tấc đất, tấc vàng", việc tận dụng tối đa diện tích không gian để xây thêm diện tích sàn gây ra thách thức lớn cho an toàn PCCC. Nhiều căn nhà chỉ có một lối duy nhất ở mặt tiền cũng bị ngăn lại để làm địa điểm kinh doanh. Giải pháp tốt nhất là trổ cửa, trổ sân thượng để thoát nạn khi có hỏa hoạn.
Bình luận (0)