Với việc lắp đặt hơn 42.000 camera an ninh ở các khu dân cư, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã điều chỉnh và hoàn thiện các nội dung kiến nghị cơ chế, chính sách liên quan đến lãnh vực tài nguyên và môi trường để đưa vào dự thảo Nghị quyết 54/2017/QH14. Trong đó, lĩnh vực môi trường, TP HCM đề xuất cho phép sử dụng thiết bị công nghệ làm căn cứ xử lý các hành vi vi phạm.
Hễ "mắc" là tấp vào… xả
Đề xuất này nhận được sự đồng tình của người dân. Tuy nhiên, để hạn chế hành vi tiểu bậy, bên cạnh việc xử phạt, cần xem xét đến việc xây dựng thêm nhà vệ sinh công cộng (NVSCC).
Đi một số quận trung tâm TP HCM, phóng viên ghi nhận tại lối đi bộ trước Bến xe Miền Đông (đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh), nhiều tài xế xe công nghệ, xe ôm, người đi đường… tấp xe vào lề đường, tiểu ở bồn cây, tường… dù ở đây có camera và biển nhắc nhở: "Vì vệ sinh môi trường và sự sống của cây xanh. Xin đừng tiểu bừa bãi".
Cách đó không xa, đoạn dưới chân cầu Bình Triệu 1, Công viên Tầm Vu, Quốc lộ 13… cũng diễn ra cảnh tương tự. Vỉa hè, mặt đường, gốc cây… đâu đâu cũng có thể biến thành "nhà vệ sinh".
Bán nước uống trước cổng Bến xe Miền Đông đã hơn chục năm, bà Nhung bức xúc: "Nhiều người cứ mắc là tấp vào xả, đậu xe chỗ nào, "xử" luôn chỗ đó, thản nhiên như chốn không người dù trong bến xe có nhà vệ sinh. Mùi hôi thối kinh khủng. Phải có biện pháp xử lý mạnh tay may ra mới thay đổi ý thức của người dân".
Tương tự, ghi nhận ở khu vực Công viên 23-9 (quận 1), gốc cây, cột điện, khoảng tường trống, góc đường… mùi hôi bốc lên nồng nặc, dù gần đó có nhiều nhà vệ sinh trong khu ẩm thực và bến xe buýt.
Các tuyến đường tấp nập phương tiện qua lại như Võ Văn Kiệt (quận 1), Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Nguyễn Văn Bá, Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức)... hay dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, không khó bắt gặp hình ảnh nhiều người "xả" thẳng xuống kênh, bên vệ đường, chân cầu...
"Tôi hay đưa con ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tập thể dục nhưng nhiều lúc rất ái ngại khi con chứng kiến hành vi tiểu bậy. Tôi tự hỏi sao người ta không ráng thêm một chút để về đến nhà hay tìm NVSCC giải quyết. Bờ kênh hôi thối vì rác và ô nhiễm bởi nước tiểu" - anh Nguyễn Văn Xuân (ngụ quận Phú Nhuận) nói.
Nhà vệ sinh công cộng trên đường Lê Hồng Phong (ảnh trên) và bên trong nhà vệ sinh công cộng ở chợ đầu mối Thủ Đức
Xây thêm nhà vệ sinh công cộng
Tại quận 1, nhiều khu vực như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên Tao Đàn, Công viên 23-9, Công viên Lê Văn Tám, đường Hàm Nghi, đường Trương Định (quận 1)... có NVSCC đạt tiêu chuẩn 4-5 sao được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, có nhân viên túc trực dọn dẹp, có NVSCC còn có lối đi riêng cho người khuyết tật, không tốn phí.
Tuy nhiên, nhiều quận khác, nhất là ngoại thành, NVSCC vừa thiếu vừa xuống cấp, một số nơi "cửa đóng then cài". Ghi nhận một số NVSCC trên đường Trường Sa (quận 3), Lê Hồng Phong, Trần Phú, Mạc Thiên Tích, Hùng Vương (quận 5), Bà Hạt (quận 10), Hòa Bình (quận Tân Phú), Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức)..., hệ thống thiết bị cũ kỹ, bong tróc, mặt sàn đọng nước, hôi hám, buồng tiểu, phòng vệ sinh không có vòi xịt, giấy, hệ thống nước hư, phải dùng ca để xối nước... Chưa kể, để sử dụng dịch vụ, có nơi người dân phải trả phí 5.000 đồng/lượt; có nơi NVSCC đóng cửa im lìm.
"Có lần tôi đau bụng, từ quận 3 về TP Thủ Đức khoảng 16 km, chạy dọc xa lộ Hà Nội mà không thể tìm thấy NVSCC nào. Về Thủ Đức chỉ có 1 cái ngay ngã tư Thủ Đức nhưng lại không sạch sẽ, đành nín để về được đến nhà" - chị Nguyễn Thu Hiền (ngụ TP Thủ Đức) bày tỏ.
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP HCM), cần nhìn nhận số lượng NVSCC hiện nay tại TP HCM là chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Muốn hạn chế tình trạng tiểu bậy, phải xây thêm NVSCC để đáp ứng nhu cầu của người dân. NVSCC phải có hệ thống xử lý nước thải, trang bị xà phòng rửa tay, khăn hoặc giấy lau tay, có khu vực vệ sinh riêng cho nam và nữ, khu vệ sinh nam có thêm bồn tiểu...
Hiện nhiều NVSCC tại TP HCM bị xuống cấp không được tu sửa, nhà vệ sinh treo bảng miễn phí nhưng một số đối tượng vẫn ngang nhiên thu phí hoặc nhà vệ sinh không có nhân viên thường xuyên túc trực vệ sinh...
Ngoài ra, tại nhiều vị trí NVSCC, nhiều người dân ngang nhiên lấn chiếm sử dụng làm nơi bán hàng hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân. Đây là những điểm trừ cần khắc phục trước khi áp dụng hình thức xử phạt nghiêm" - luật sư Hùng nhận xét.
Còn theo luật sư Trương Văn Tuấn (Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn), Nghị định số 55/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định tại các khu vực công cộng.
Nhưng để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền cần đầu tư xây nhiều NVSCC hơn; đẩy mạnh việc tuyên truyền để nâng cao ý thức giữ gìn văn minh đô thị, vệ sinh môi trường của người dân; tăng cường công tác kiểm tra xử phạt thường xuyên, đồng thời tăng mức xử phạt để bảo đảm tác dụng răn đe.
Tăng mức phạt, buộc lao động công ích
Nói về tình trạng tiểu bậy nơi công cộng, nhiều bạn đọc đồng tình phải tăng mức phạt và cả buộc lao động công ích thì mới đủ răn đe. Một số bạn đọc than phiền tình trạng hàng xóm tổ chức nhậu hoặc khách quán nhậu kéo sang trước cửa nhà tiểu bậy, phản đối thì bị chửi bới. "Với những trường hợp như vậy, có thể trình báo ở đâu?" - bạn đọc L.H hỏi.
Tuy nhiên, một số bạn đọc băn khoăn mức phạt đã có nhưng liệu việc thực hiện xử phạt có làm nghiêm, ai chịu trách nhiệm nếu địa bàn có những khu vực quá ô nhiễm vì nạn tiểu bậy…?
Bình luận (0)