Từ ngày 17 đến 26-4, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP HCM thực hiện giám sát về tình hình triển khai thực hiện công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em (XHTE) tại các quận, huyện trên địa bàn TP.
Lượng người nhập cư tăng nhanh
Báo cáo tại các buổi giám sát, rất nhiều quận, huyện trên địa bàn TP chỉ ra quá trình đô thị hóa nhanh, số lượng người nhập cư từ các tỉnh, thành khác ngày càng đông kéo theo lượng trẻ em gia tăng… đã tạo ra cho các địa phương nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phòng chống tội phạm, phòng chống bạo lực, XHTE.
Điển hình như quận Bình Tân, tính đến cuối năm 2018, dân số là 766.551 người (năm 2015 là 686.474 người, tăng 80.077 người trong 3 năm). Số trẻ em từ 0-16 tuổi là 97.598 em, có 878 em có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ khuyết tật, mồ côi, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS…). Có 7.889 nhà trọ, phòng trọ và nhà ngăn cho thuê với hơn 216.217 người thuê để ở, trong đó có đối tượng trẻ em sống với cha mẹ và đa phần có cuộc sống khó khăn. Trong 2 năm 2017-2018 trên địa bàn xảy ra 18 vụ XHTE (trong đó năm 2017 có 8 vụ, năm 2018 có 10 vụ).
Tại quận 12, dân số toàn quận là 564.061 người (năm 2015 là 510.326 người, tăng 35.735 người trong 3 năm). Tổng số trẻ em dưới 16 tuổi là 101.365 em (48.877 nữ), 544 em có hoàn cảnh đặc biệt; tổng số trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo là 1.416 em. Trong năm 2017, xảy ra vụ bạo hành tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh; năm 2018 có 8 vụ bạo lực, XHTE; quý I/2019 có 3 vụ bạo lực, XHTE.
Còn tại huyện Hóc Môn, dân số 429.742 người (năm 2015 là 422.471 người). Tổng số trẻ em dưới 16 tuổi là 93.679 (44.560 nữ), 669 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 940 trẻ em sống trong gia đình nghèo, gia đình có vấn đề xã hội. Từ năm 2017 đến quý I/2019, xảy ra 15 trường hợp bạo lực, XHTE.
Cháu bé 1 tuổi bị mẹ nuôi bạo hành dã man ở quận 9, TP HCMẢnh: Sỹ Hưng
90% trẻ bị xâm hại bởi người quen, thân
Qua báo cáo cho thấy các đối tượng có hành vi bạo lực, XHTE ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau, tập trung chủ yếu từ 17-40 tuổi, một số vụ đối tượng trên 50 tuổi, cá biệt trên 70 tuổi. Về nghề nghiệp, chủ yếu là lao động tự do, không có nghề nghiệp hoặc nghề không ổn định; trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật và xã hội hạn chế; sử dụng rượu bia; có lối sống lệch chuẩn, bệnh hoạn, biến thái.
Đáng lưu ý, đối tượng bạo lực, XHTE thường là người thân, quen; người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý trẻ em như giáo viên, bảo mẫu, cha mẹ ruột, cha dượng, mẹ kế (chiếm 90% số vụ); người từ nơi khác đến, học vấn thấp, ý thức cộng đồng không tốt... Ngoài ra, có những người bình thường nhưng ở thời điểm nào đó, trong một môi trường nào đó khiến bản thân họ không thể cưỡng lại được và gây nên những hành vi đồi bại. Cũng có những người "mắc bệnh", có thói quen xâm hại tình dục (XHTD) với trẻ em. Bên cạnh đó, khi du lịch phát triển, khách nước ngoài gia tăng cũng nảy sinh nhiều vụ việc trẻ em bị khách du lịch nước ngoài XHTD.
Nạn nhân của các vụ bạo lực, XHTE thường sống trong gia đình không hoàn thiện, cha mẹ ly thân, ly hôn, phải sống với cha dượng, mẹ kế, ông bà đã lớn tuổi; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật; con em người lao động từ các nơi đến TP mưu sinh; cha mẹ lo kiếm sống, quá chủ quan, không đề phòng những người sống cùng khu trọ, để con ở nhà một mình, tự đi học, đi chơi ở nơi vắng khi còn quá nhỏ… là những nguyên nhân trực tiếp khiến trẻ bị bạo lực, XHTD và khi đã bị xâm hại thì chậm được phát hiện nên việc tiếp nhận thông tin, xử lý tội phạm gặp nhiều khó khăn do thiếu chứng cứ. Hơn nữa, hầu hết trẻ chưa được hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tự vệ, phòng tránh nên có những trẻ bị XHTD mà không biết hoặc có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, không dám chia sẻ, tố giác; phụ huynh đôi khi ngại ảnh hưởng đến tương lai của trẻ nên cũng không tố giác kẻ phạm tội.
Bên cạnh đó, một số vụ việc XHTE xảy ra có tính chất phức tạp, hầu hết do các đối tượng và người bị hại từ nơi khác đến thuê khách sạn, phòng nghỉ… Chưa kể, sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm cũng góp phần dẫn đến nguy cơ trẻ bị xâm hại.
Một điểm đáng lưu ý nữa là nạn XHTD không chỉ rình rập trẻ em gái mà trẻ em trai cũng có nguy cơ tương đương nhưng khó phát hiện. Thủ phạm tấn công trẻ đa phần có mối quan hệ gần gũi, thân quen như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ, thầy giáo… khiến phụ huynh và trẻ ít khi đề phòng.
Bị lạm dụng sức lao động
Theo báo cáo của UBND quận Bình Tân, đặc thù của quận là có nhiều người nhập cư, đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do không có công ăn việc làm, chỗ ở không ổn định, vì vậy trẻ em trong những gia đình này có nhiều nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng bóc lột sức lao động, kiếm sống trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc kiếm sống nơi công cộng. Việc quản lý trẻ em tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình hiện chưa chặt chẽ. Số ít phường chưa nắm bắt thông tin và báo cáo kịp thời tình trạng sử dụng, lạm dụng sức lao động trẻ em, lao động vị thành niên. Công tác quản lý nhân khẩu đối với trẻ em tại các cơ sở may gia công tuy được kiểm tra nhưng chưa thường xuyên do đó vẫn tồn tại không ít cơ sở may gia công có sử dụng trẻ em, người chưa thành niên.
Bình luận (0)