Thời gian qua, Báo Người Lao Động nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về tình trạng nhà vệ sinh tại một số bệnh viện (BV) ở TP HCM xuống cấp trầm trọng. Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều BV chỉ bố trí một nhà vệ sinh công cộng ở khu vực khám bệnh. Trong khi đó, lượng người tới khám hằng ngày rất đông, phải chen chúc nhau và “mắc ói” khi bước vào những nhà vệ sinh này.
Chật chội, dơ dáy
Tại BV Chấn thương Chỉnh hình (quận 5), hơn chục người chen chúc trong nhà vệ sinh chật hẹp. Mùi hôi nồng nặc tỏa ra cả bên ngoài hành lang khiến ai đi ngang qua khu vực này cũng phải nín thở. Trong nhà vệ sinh, các bệ tiểu ngả màu ố vàng, cáu bẩn, rác thải vứt đầy trên sàn. Anh Huỳnh Văn Chiến, một người đang khám bệnh tại đây, ngán ngẩm: “Nhiều người sử dụng xong không dội nước, cũng chẳng thấy ai dọn vệ sinh. Vừa hé cửa vào nhà vệ sinh đã phải dội ngược vì mùi hôi thối nồng nặc”.
Cùng tình trạng này, nhà vệ sinh ở BV quận 3 là nỗi ám ảnh đối với ai từng đến đây khám chữa bệnh. Sàn nhà luôn ẩm ướt, các bồn tiêu rất dơ dáy. Ngán ngẩm nhất là khi vào nhà vệ sinh ở BV Hùng Vương (quận 5). Nhà vệ sinh được xây ở khoảng trống dưới chân cầu thang nên rất chật chội và ngột ngạt. Đã vậy, nơi đây chỉ có một nhà vệ sinh nên mọi người phải sốt ruột chờ nhau khi có nhu cầu.
Thu phí, chất lượng không đổi
Nhiều BV tổ chức thu phí với hy vọng nâng chất lượng nhà vệ sinh nhưng người sử dụng vẫn ngán ngẩm. Hai nhà vệ sinh ở BV Phụ sản Từ Dũ (quận 1) hoạt động hết công suất nhưng nhiều người vẫn phải đứng chờ do số phòng quá ít. Do 2 nhà vệ sinh này có thêm dịch vụ tắm giặt nên thời gian người bệnh chờ đợi càng lâu. Nhà vệ sinh ở đây thu 1.000 đồng/lần đi tiêu, 2.000 đồng/lần đi tắm và 4.000 đồng/lần tắm giặt.
Anh Ngô Văn Nam (ngụ tỉnh Bình Phước) đưa vợ lên chờ sinh hơn một tuần qua, bức xúc: “Trả phí để đi vệ sinh nhưng chất lượng quá tệ, không đáng tiền bỏ ra”. Khu nhà vệ sinh ở cổng phía đường Lương Hữu Khánh của BV mặc dù mới được nâng cấp nhưng trông vẫn nhếch nhác, hôi hám; các thiết bị bên trong đã hư hỏng nặng.
BV Tai Mũi Họng (quận 3) cũng thu phí vệ sinh 1.000 đồng/lượt đối với người dân có nhu cầu sử dụng. Thế nhưng bên trong, bồn cầu bị mất nắp. Thêm vào đó, nhà vệ sinh này nằm gần lối lên cầu thang dẫn đến các phòng chức năng nên hằng ngày, rất nhiều bệnh nhân qua lại khu vực này phải chịu “tra tấn” bởi mùi hôi.
Bà Lương Thị Cúc, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết nơi đây không có chủ trương thu phí vệ sinh đối với bệnh nhân. BV đã hợp đồng với công ty vệ sinh dọn dẹp hằng ngày nhưng họ chỉ làm việc theo định kỳ, không túc trực thường xuyên. Do hằng ngày có nhiều đối tượng bên ngoài vào đi vệ sinh rồi đập phá, lấy cắp đồ đạc, thậm chí còn hút chích nên BV mới áp dụng thu phí 1.000 đồng để trả công cho nhân viên vệ sinh túc trực. “Chúng tôi đang lên phương án không áp dụng thu phí vệ sinh đối với người dân đến khám chữa bệnh khi họ đưa ra được giấy tờ hay sổ khám bệnh” - bà Cúc nói.
Không còn quỹ đất Ông Đỗ Trọng Thủy - Trưởng Phòng Hành chính, Quản trị BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM - cho biết mỗi năm, BV đầu tư 150 triệu đồng để duy tu, sửa chữa nhà vệ sinh. Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân tới khám rất đông (khoảng 2.000 lượt người/ngày), trong khi chỉ có một nhà vệ sinh ở khu khám bệnh nên không tránh khỏi tình trạng quá tải, nhếch nhác. Theo ông Thủy, do diện tích BV khá hẹp nên không còn quỹ đất để mở rộng, xây mới nhà vệ sinh. BV đã thuê người dọn dẹp nhà vệ sinh liên tục nhưng cũng không xuể. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhắc nhở nhân viên tăng cường dọn dẹp để bảo đảm vệ sinh cho người dân đến khám chữa bệnh” - ông Thủy nói. |
Bình luận (0)