Vài tuần trở lại đây, cuối đường Tô Ngọc Vân (đoạn tiếp giáp với Quốc lộ 1, phường Tam Bình, TP Thủ Đức, TP HCM) xuất hiện bãi rác tự phát lớn, tràn ra đường khiến ai trông thấy cũng ngao ngán bởi hình ảnh mất mỹ quan đô thị và tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ảnh 1).
Bãi rác cuối đường Tô Ngọc Vân (TP Thủ Đức)
Trạm chờ xe buýt trên đường Dương Thị Mười (trước Bệnh viện quận 12, TP HCM), cầu Lý Phục Man (phường Bình Thuận, quận 7, TP HCM) cũng trở thành nơi đổ rác bừa bãi .
Rác trên cầu Lý Phục Man (quận 7)
Tại Đồng Nai, khu vực ven Quốc lộ 51 (đoạn qua thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) cũng xuất hiện những bãi rác thải sinh hoạt tự phát. Việc vứt, đổ rác ở đây xảy ra thường xuyên, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, liên tục "tra tấn" người đi đường.
Rác tràn Quốc lộ 51 (đoạn qua thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai)
Cũng tại Đồng Nai, trên một số tuyến đường ở TP Biên Hòa có những cây cầu đầy rác, dù cơ quan chức năng gắn biển "Cấm đổ rác", kèm mức phạt theo quy định. Rác thải được đổ ở đây hằng ngày.
Điển hình là cây cầu trên đường Phạm Văn Thuận (qua các phường Tam Hiệp, Tam Hòa, Tân Mai), cầu 201 (đường Bùi Văn Hòa, phường Long Bình)… Cầu Đồng Khởi (phường Tân Phong) có đến 3 biển cấm, trong đó một bảng ghi "có gắn camera giám sát" nhưng vẫn… chịu thua ý thức của mốt số người dân.
Cầu Đồng Khởi (phường Tân Phong) có đến 3 biển cấm nhưng rác vẫn tràn ngập
Để hành vi xả rác thải không đúng nơi quy định không tiếp diễn, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm vi phạm nhằm răn đe.
Đặc biệt, cần triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát, xử phạt "nguội" hành vi xả rác để giải quyết tình trạng này; đồng thời có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị thông minh để chụp hình, quay phim nhằm phát hiện những hành vi vi phạm và báo cho cơ quan chức năng xử lý.
Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Theo điều 79 của luật này, các hộ dân sẽ đóng tiền xử lý rác dựa theo khối lượng chất thải đã phân loại; không chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng (nếu không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác).
Hy vọng với luật này, tình trạng xả rác bừa bãi như hiện nay sẽ được giảm thiểu.
Bình luận (0)