Mở cửa du lịch, đặc biệt trong dịp có nhiều ngày nghỉ lễ và mùa hè sắp đến..., người dân lại đổ xô đến các điểm vui chơi, nghỉ dưỡng. Các vùng biển du lịch từ Nam chí Bắc như Hải Phòng, Sầm Sơn, Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tàu... sẽ nườm nượp đón khách nên vấn đề bảo vệ an toàn cho du khách cần đặt ra cấp bách.
Nguy hiểm chực chờ
Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), cho biết Nha Trang đang vào mùa cao điểm du lịch, thời gian tới sẽ bước vào dịp lễ 30-4, 1-5 và nghỉ hè nên vấn đề bảo đảm an toàn cho du khách vui chơi, tắm biển được đặt lên hàng đầu.
Hiện nay, trên toàn bộ biển Nha Trang từ bãi Hòn Chồng đến Công viên Bạch Đằng, có 8 điểm được phép tắm. Những điểm này có có phao chỉ giới, phương tiện cứu hộ, có lực lượng chức năng theo dõi. Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã tuyển thêm lực lượng cứu hộ, hiện lên tới 38-40 người, chia thành nhiều ca kíp để hạn chế tối thiểu các vụ tai nạn, đuối nước.
Theo ông Thái, khó khăn nhất hiện nay là nhiều du khách không tuân thủ các quy định khi tắm biển ở những nơi không có lực lượng cứu hộ, như khu vực bờ kè Ba Làng; tắm khi biển động, sóng to dù cơ quan chức năng đã cắm bảng "cấm tắm"... Điều này làm tăng nguy cơ đuối nước cho du khách.
Nhân viên cứu hộ phải trông chừng lượng du khách tắm biển rất đông ở TP Đà Nẵng Ảnh: HẢI ĐỊNH
Trước đó, cuối tháng 1-2022, tại khu vực biển Bãi Dài đã xảy ra vụ đuối nước khiến 2 người tử vong. Theo đó, một nhóm khách từ Đà Lạt đến Khu Du lịch Duyên Hà Resort Cam Ranh vui chơi. Một du khách tắm biển vào lúc 6 giờ thì bị đuối nước, một người khác lao ra cứu cũng bị sóng cuốn trôi. Do họ tắm biển vào sáng sớm nên nhân viên khu du lịch đã cứu không kịp khiến cả 2 tử vong.
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có nhiều bãi biển đẹp, mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt du khách đến vui chơi, tắm biển. Tuy nhiên, bãi biển nơi đây cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi các dòng ao xoáy.
Theo ghi nhận, mỗi năm dọc Bãi Sau (TP Vũng Tàu), đội cứu hộ bãi biển đã cứu được hàng trăm người lọt ao xoáy đưa vào bờ an toàn. Tuy nhiên, tình trạng đuối nước vẫn diễn ra tại nhiều nơi khác, nhất là những khu vực bãi tắm công cộng, khu vực cấm tắm, không có lực lượng cứu hộ bờ biển túc trực.
Ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Ban Quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu, cho biết trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, đội cứu hộ bờ biển đã cứu được 9 trường hợp lọt ao xoáy. Ngày 19-4 vừa qua, đội cũng đã kịp thời cứu 2 du khách Hà Nội bị sóng biển cuốn ra xa bờ. Tuy nhiên, tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhóm sinh viên 9 người vui chơi, tắm biển và bị lọt vào dòng nước chảy xiết khiến 1 người tử vong.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học ở Viện Hải dương học (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), vùng biển Bãi Dài thường xuất hiện các dòng rip (dòng chảy rút xa bờ - dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển) rất nguy hiểm. Vào thời điểm chuyển giao từ mùa hè sang mùa đông (khoảng tháng 9-10 âm lịch) và gió mùa Đông Bắc (tháng 11 năm trước đến tháng giêng âm lịch năm sau) là các dòng rip trên Bãi Dài xuất hiện, hoạt động mạnh mẽ. Nếu không may sa vào vùng hoạt động của dòng rip thì người bị sóng cuốn đối mặt ngay nguy hiểm chết người. Nhiều người bơi rất giỏi, rất khỏe nhưng vẫn chết đuối nếu gặp dòng rip. Những năm qua đã có một số trường hợp đuối nước khi tắm biển ở Bãi Dài.
Tăng cường nhân lực, phương tiện cứu hộ cứu nạn
Để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn chết đuối, theo đại diện Thủy đoàn I (Cục CSGT - Bộ Công an), những người đi tắm sông, biển cần chủ động phòng tránh những tình huống nêu trên; chỉ nên tắm ở những nơi có đội cứu hộ cứu nạn thường trực. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần rà soát, cắm bảng cảnh báo những nơi nguy hiểm; lắp đặt hệ thống phao giới hạn vùng nước được tắm; tăng cường nhân lực, công cụ, phương tiện cứu hộ cứu nạn ở những bãi tắm biển thu hút đông du khách và người dân.
Thông tin với báo chí, lãnh đạo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách khi tắm biển, đơn vị này đã giăng phao tại các khu vực tắm an toàn; lắp đặt bảng cảnh báo ở khu vực nguy hiểm có dòng chảy xa bờ, các khu vực không có lực lượng cứu hộ trực; tuyên truyền trên hệ thống loa ven biển, website, fanpage của ban về thời gian trực cứu hộ, nội quy bãi biển.
Hiện nay, đội cứu hộ các bãi biển du lịch Đà Nẵng có khoảng 100 nhân viên, chia thành 19 tổ, làm nhiệm vụ cứu hộ dọc 2 tuyến biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp và Hoàng Sa - Nguyễn Tất Thành. Trong mùa cao điểm du lịch, đội tăng ca trực cứu hộ từ 4 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút hằng ngày với trang thiết bị hiện đại, có cả môtô nước túc trực.
Mới đây, trong buổi làm việc với Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhận định mô hình đơn vị này là mô hình riêng của thành phố với rất nhiều đặc thù, chức năng, nhiệm vụ phức tạp. Vì vậy, UBND TP Đa Nẵng và Sở Du lịch cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện để vận hành mô hình này hiệu quả.
Liên tục đuối nước khi tắm biển
Rạng sáng 19-4-2022, khi chưa đến giờ làm việc của đội cứu hộ, một du khách xuống tắm tại bãi biển Sao Biển, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng và bị chết đuối.
Ngày 27-3-2022, một nhóm 5 du khách đã bị sóng cuốn trôi khi tắm biển đêm tại bãi biển Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Đội cứu hộ cứu được 4 người, 1 người tử vong.
Ngày 25-2-2022, một nhóm 8 thanh niên tắm biển ở khu vực Bãi Sau, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Một số người bơi ra xa và bị sóng cuốn. Đội cứu hộ cứu được 3 người, 1 người tử vong.
Trước đó, ngày 1-8-2021, 5 du khách tắm ở bãi biển Đất Đỏ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thì bị đuối nước. Bãi biển này không có lực lượng cứu hộ, người dân địa phương lao ra cứu được 4 người, 1 người tử vong.
Ngày 23-4-2021, một nhóm học sinh lớp 5 và lớp 6 ở địa phương rủ nhau đi chơi rồi xuống tắm tại vùng biển xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, 4 học sinh bị sóng cuốn tử vong...
Đại diện THỦY ĐOÀN I, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an:
Nếu chủ quan, dễ đánh đổi bằng tính mạng
Thời gian vừa qua, chúng tôi thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng và các địa phương tuyên truyền cho du khách, người dân phòng chống đuối nước ở những khu vực du lịch, cầu, bến bãi... Cùng với đó, chúng tôi kiến nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý; bảo đảm đầy đủ các hệ thống báo hiệu, biển báo nguy hiểm, đội cứu hộ cứu nạn tại các địa điểm đã được khai thác làm bãi tắm biển, khu vui chơi, giải trí dưới nước, ven sông...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khách du lịch phớt lờ những cảnh báo từ cơ quan chức năng và địa phương. Điển hình là tình trạng du khách không thông thạo địa hình, dòng chảy mà vẫn chủ quan đi tắm không sử dụng áo phao, bơi một mình ra xa bờ biển... Những trường hợp chủ quan như thế rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đuối nước mà không có người ứng cứu.
Ông PHẠM VĂN SƠN, giảng viên cứu hộ bãi biển:
Đội ngũ cứu hộ phải chuyên nghiệp
Muốn có được sự an toàn ở các bãi biển, cần thực hiện tốt từ hai phía: du khách và lực lượng chức năng.
Thực tế khi du lịch biển, du khách thường đi cả gia đình. Nhiều trẻ em, phụ nữ không biết bơi nhưng khi tắm biển lại không chịu mặc áo phao. Những dịp lễ thì tập trung quá đông, có khi cả vạn người cùng tắm biển ở một khu vực thì không đội cứu hộ nào quán xuyến hết được. Khi có trường hợp đuối nước, phương tiện cứu hộ cũng không thể nhanh chóng lao ra tiếp cận.
Trừ các bãi biển lớn do chính quyền địa phương quản lý có thể tổ chức đội cứu hộ chuyên nghiệp, còn phần lớn các bãi biển gắn liền với những khu du lịch tư nhân thì đội ngũ cứu hộ thường nghiệp dư, thậm chí không có. Đây là sự bất cập cần sớm khắc phục để giữ an toàn cho du khách. Đã tổ chức bãi tắm thì phải có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp được huấn luyện bài bản, có kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước và trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện cứu hộ như phao cứu sinh, môtô nước, bình ôxy... Không chuyên nghiệp, chỉ cần sao nhãng hoặc trễ vài phút là hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
N.Hưởng - H.Nghi ghi
Bình luận (0)