Việc tài sản công trúng đấu giá lên gấp nhiều lần là bình thường nhưng việc tăng đột biến lên đến hàng trăm lần, cụ thể ở đây là hơn 390 lần là rất bất thường!
Theo thông tin từ người tham gia đấu giá được báo chí trích dẫn thì các đơn vị chức năng đưa ra mức đấu giá chỉ 7,2 tỉ đồng cho tổng trữ lượng gần 2,4 triệu m3. Câu hỏi đặt ra là việc tính toán, thẩm định và xác định giá khởi điểm vụ việc này dựa vào cơ sở nào? Vì sao có sự chênh lệch quá lớn từ mức giá khởi điểm đưa ra đấu giá với mức giá trúng đấu giá như vậy? Không chỉ vụ này mà hàng loạt vụ đấu giá quyền khai thác mỏ cát khác thời gian qua đều tăng gấp hàng chục lần.
Cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ việc thẩm định giá, xác định giá khởi điểm trong vụ việc này để có hướng xử lý, đồng thời chấn chỉnh kịp thời các vụ việc tương tự về sau. Bởi chỉ thông qua vụ đấu giá mỏ cát này cho thấy ngân sách nhà nước có thêm hàng ngàn tỉ đồng, bằng thu ngân sách của cả một tỉnh nghèo, miền núi. Ngoài ra, từ vụ việc trên, cơ quan chức năng cần có chỉ đạo tổng rà soát những vụ đấu giá tài nguyên như cát, đá... trước đây có gì bất hợp lý, bất thường gây thất thoát, lãng phí hay không? Đặc biệt, rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đấu thầu, đấu giá quyền khai thác tài nguyên khoáng sản có lỗ hổng, kẽ hở hay bất cập gì không để sớm có sự sửa đổi, bổ sung hợp lý.
Không thể chần chừ khi tài nguyên đất nước bị thất thoát, lãng phí và ngân sách bị thất thu hàng ngàn tỉ đồng từ những vụ việc bán đấu giá tài nguyên đơn giản như vậy được.
Bình luận (0)